(HNMO) - Các nhà du hành vũ trụ có thể trở nên yếu ớt như đang ở tuổi 80 sau 6 tháng sống trên Trạm vũ trụ quốc tế, một nghiên cứu mới cho biết.
Nghiên cứu này đã làm dấy lên những mối lo ngại về sức khỏe nghiêm trọng khi NASA dự kiến tiến hành các chuyến du hành dài hơi hơn tới các hành tinh nhỏ và Sao Hỏa.
Robert Fitts, nhà sinh học thuộc ĐH Marquette, người chủ trì nghiên cứu này đã thẳng thắn cho rằng, sự già hóa nhanh khi ở ngoài không gian là tạm thời. Hệ cơ của các nhà du hành vũ trụ sẽ hồi phục vài tháng sau khi trở về trái đất.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu phi hành đoàn phải hạ cánh khẩn cấp trên hành tinh chủ và lao ra khỏi con tàu vũ trụ đang bốc cháy? Điều gì sẽ xảy ra nếu sau khi tới sao Hỏa, các phi hành gia phải bước ra ngoài không gian để tiến hành những sửa chữa cần thiết? Liệu rằng những người đàn ông và phụ nữ sao Hỏa có thể tập hợp sức lực cho những công việc hàng ngày hay không?
Tuy nhiên, ông Fitts đã quan sát, các nhà du hành vũ trụ có thể tránh việc trở nên yếu đi, với nhiều nghiên cứu và thiết bị phù hợp cho việc tiến hành những bài thể dục trong vũ trụ. "Tôi thực sự cho rằng việc này có thể ngăn ngừa được", ông nói.
Ông Fitts đã căn cứ vào các phát hiện của mình về việc sinh thiết cơ bắp chân mà nhóm nghiên cứu của ông đã thu được từ 9 nhà du hành vũ trụ người Mỹ và Nga sinh sống trên trạm vũ trụ từ năm 2002 đến 2005. Đó là nghiên cứu đầu tiên về cơ của những nhà du hành vũ trụ có chuyến bay dài và có sự sụt giảm mức tế bào với các sinh thiết thực tế được tiến hành.
Mỗi nhà du hành vũ trụ đã ở trên trạm 6 tháng và đã trải qua một thử nghiệm sinh thiết trước khi con tàu được phóng đi và ngay sau khi trở về trái đất.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy, các nhà du hành vũ trụ đã mất hơn 40% sức mạnh trong các sợi cơ ở hệ cơ bắp chân. Đây là những cơ quyết định tới khả năng cân bằng và tư thế của con người và dường như chịu nhiều tác động vũ trụ hơn bất cứ phần nào trên cơ thể.
Ông Fitts cho biết, các cơ này suy giảm khiến cho các phi hành gia như thể già hơn gấp đôi số tuổi.
Sự suy giảm cơ vẫn xảy ra thậm chí nếu phi hành gia dành mỗi ngày từ 1-2 giờ để tập luyện. NASA từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của việc tập luyện không trọng lượng và các trạm vũ trụ đều được trang bị cối xay guồng, xe đạp tĩnh và các máy tập chân... NASA hi vọng những máy tập mới được ra đời năm ngoái có thể giúp cải thiện hơn tình hình.
Hiện giờ, các nhà du hành trở về sau 6 tháng sống trong vũ trụ phải trải qua quá trình điều trị vật lý và bởi do các vấn đề về cân bằng, họ không thể lái xe trong 2-4 tuần. Một chuyến thám hiểm tới sao Hỏa sẽ mất ít nhất là 3 năm.
Bên cạnh việc tập luyện và các thiết bị tốt hơn, các phi hành gia cũng cần phải ăn nhiều hơn, ông Fitts lưu ý. Và họ cần phải dùng bữa sớm ngay sau khi luyện tập.
Gregory Adams, một nhà sinh lý học thuộc ĐH California tại Irvine, người tiến hành nghiên cứu cho Viện nghên cứu y sinh học vũ trụ quốc gia Mỹ cho biết, các cơ chân bị tổn thương một cách đặc biệt và rất khó rèn luyện trong tình trạng không trọng lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.