Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP cả nước

Ánh Dương| 26/03/2019 14:28

(HNMO) - Ngày 26-3, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng kết bước đầu Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020.


Sau 12 năm triển khai, đến nay, Đề án đã hoàn thành 22/45 dự án và nghiệm thu cấp Nhà nước; 4 dự án sẽ kết thúc trong năm 2019.

Đến hết năm 2018, nhiều kết quả của các dự án đã được chuyển giao vào và đang góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh các vùng biển và ven biển; đạt những kết quả quan trọng về chính sách quản lý tài nguyên và môi trường biển; bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; bảo vệ chủ quyền và hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển; thành lập hải đồ tỷ lệ 1:200.000 với khoảng 53,3% diện tích các vùng biển Việt Nam; hoàn thành điều tra địa hình đáy biển khoảng 24,5% diện tích vùng biển Việt Nam ở các tỷ lệ từ 1:500.000 đến 1:50.000; cơ bản làm chủ công nghệ tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên biển…

Các chỉ tiêu tổng hợp về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế đạt mức nhóm nước trung bình cao trở lên trên thế giới; các ngành kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP cả nước, kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước chiếm 65-70% GDP cả nước…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TƯ về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.

Một trong 7 giải pháp Nghị quyết đặt ra để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu là ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP cả nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.