Công nghệ

Các kênh kinh doanh mạng xã hội được nhà bán lẻ Việt Nam quan tâm

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 29/01/2024 - 17:50

Ngày 29-1, khảo sát do nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo thực hiện dựa trên 15.000 nhà bán hàng tại Việt Nam cho thấy, việc mở rộng kinh doanh lên các kênh mạng xã hội đang nhận được sự quan tâm lớn.

hnmo_sapo.jpg
Nhiều nhà bán hàng đang kết hợp hình thức kinh doanh trực tuyến và trực tiếp.

Cụ thể, báo cáo của Sapo cho thấy, xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh tiếp tục thể hiện rõ rệt, với 55,4% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh "đầu ra": Tại cửa hàng và bán hàng online.

Sàn thương mại điện tử tiếp tục là kênh bán hàng online được sử dụng nhiều nhất trong ngành bán lẻ. Điểm nhấn đặc biệt trong năm 2023, các nhà bán hàng có xu hướng mở rộng thêm kênh TikTok Shop (tỷ lệ người kinh doanh bán chủ yếu trên kênh TikTok chiếm 5,9%, tăng nhẹ so với năm 2022).

Trong ngành bán lẻ, dự định phổ biến nhất của các nhà bán hàng là mở rộng kênh bán lên các kênh mạng xã hội như: Facebook, Zalo (27,07%); tiếp sau đó là các sàn thương mại điện tử (21,96%) và TikTok Shop (20,66%)…

Theo khảo sát, năm 2023, doanh thu trung bình của phần lớn cửa hàng sụt giảm trên 30% so với năm 2022. Tổng tỷ trọng nhà bán hàng ghi nhận sự giảm sút doanh thu chiếm tới 60,99%. So sánh trong 5 năm vừa qua, năm 2023 lặp lại tình trạng sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, chỉ xếp sau năm 2021 (năm cao điểm của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội).

Để đối phó với khó khăn, các chủ cửa hàng có xu hướng cắt giảm nhân viên; thể hiện ở tỷ lệ cửa hàng có dưới 5 nhân viên đã tăng lên (chiếm 69,64% đáp viên tham gia khảo sát). Đặc biệt là sự gia tăng của mô hình cửa hàng không có nhân viên - chủ cửa hàng tự vận hành (9,27%).

Dù vậy, ngành bán lẻ năm 2023 về ghi nhận diễn biến tích cực là sự chuyển dịch sang mô hình kinh doanh có tính bền vững hơn. Một số nhà bán hàng đã chuyển dịch từ mô hình cá nhân (không đăng ký kinh doanh) sang mô hình hộ kinh doanh cá thể hoặc công ty (giảm từ 35% năm 2022 còn 29% năm 2023).

Ngoài ra, nhóm nhà bán hàng có doanh thu trung bình 2023 ở mức 500 triệu đồng - 1 tỷ và trên 2 tỷ đồng đã tăng 3% so với năm 2022. Tuy giá trị đơn hàng trung bình có dấu hiệu sụt giảm (phổ biến ở mức dưới 300.000 đồng/đơn), nhưng nhóm có doanh thu cao trong ngành bán lẻ lại tăng lên.

Điều này cho thấy một số nhà bán hàng đã áp dụng thành công các chiến thuật mở rộng kinh doanh, bán thêm các sản phẩm mới và chuyển dịch sang tệp khách hàng có khả năng chi trả tốt hơn.

Dự báo về tình hình kinh doanh năm 2024, 75% nhà bán hàng tham gia khảo sát cho biết, thị trường năm 2024 sẽ có sự phục hồi và tăng trưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các kênh kinh doanh mạng xã hội được nhà bán lẻ Việt Nam quan tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.