(HNM) - Xã hội hóa, huy động thêm các nguồn lực góp phần đẩy mạnh việc phát triển thể dục thể thao (TDTT) là cần thiết. Tuy nhiên, bất cập đã nảy sinh khi có sự “vênh” nhau về quyền lợi giữa đơn vị chủ quản và chủ đầu tư dẫn đến các học viên chịu thiệt thòi…
Các học viên phải tập bóng đá trên sân xi măng. |
Phản ánh tới Đường dây nóng Báo Hànộimới, ông Phạm Cao Phương (Khu tập thể 8-3, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng) bức xúc: Theo thông báo, Trung tâm TDTT quận Hai Bà Trưng tuyển sinh các lớp năng khiếu: Bóng đá, bóng bàn, võ, bơi lội…, tôi đã đăng ký cho con mình tham gia lớp năng khiếu bóng đá. Thông báo tuyển sinh ghi rõ: Các con được tập luyện tại sân bóng đá Hai Bà Trưng (ngõ 104 Nguyễn An Ninh). Tôi được biết đây là sân bóng chất lượng cao, cỏ nhân tạo. Thế nhưng, khi đưa con đến tập luyện, các con không được cho vào sân cỏ mà chỉ được chấp thuận tập luyện tại sân xi măng. Nguyên nhân là do mâu thuẫn quyền lợi giữa Trung tâm TDTT quận và đơn vị đang được quyền khai thác sử dụng sân bóng này. Quảng cáo một đằng, làm một nẻo. Trời nắng nóng, lại luyện tập đá bóng ở sân xi măng, các cháu bị ngã thì sẽ rất nguy hiểm. Chúng tôi thực sự bất bình…
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc ngăn cản không cho các cháu thiếu niên vào sân để học lớp năng khiếu bóng đá tại sân bóng cỏ nhân tạo là có thật. Cụ thể, theo lịch tập đã đăng ký, gần 30 em lớp năng khiếu bóng đá do Trung tâm TDTT quận Hai Bà Trưng tổ chức có lịch tập luyện từ 7h đến 8h30 các ngày thứ 3, 4, 6, 7 hằng tuần. Tuy nhiên, sáng 5-6-2015 (thứ 6), khi các em được giáo viên của trung tâm đưa vào sân để luyện tập thì nhân viên sân bóng ngăn cản không cho vào sân cỏ. Đồng thời nêu rõ: Đây là “lệnh” của lãnh đạo công ty! Do đâu lại xảy ra tình trạng này?
Về chủ quản, sân bóng đá Hai Bà Trưng (ngõ 104 Nguyễn An Ninh hay ngõ 176 Trương Định) thuộc quyền quản lý của Trung tâm TDTT quận Hai Bà Trưng. Diện tích toàn bộ sân bóng là khoảng 7.600m2, hiện được chia thành 4 sân cỏ nhân tạo mini. Ngoài ra có thêm một vài công trình phụ trợ như khu dịch vụ, vệ sinh, căng tin, nhà để xe… Được biết, trước đây sân bóng này là sân đất. Nhằm đáp ứng cơ sở vật chất, sân bãi cho các hoạt động TDTT của quận, tạo địa điểm phục vụ tốt nhu cầu tham gia tập luyện TDTT, rèn luyện sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn, nâng cao chất lượng phục vụ, cơ sở vật chất của Trung tâm TDTT quận, UBND quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định phê duyệt phương án hợp tác quản lý, đầu tư và khai thác sử dụng cơ sở vật chất tại sân bóng đá này; huy động thêm nguồn lực góp phần đẩy mạnh việc phát triển TDTT. Quyết định nêu rõ: Việc hợp tác quản lý, đầu tư và khai thác sử dụng phải bảo đảm cho việc phát triển sự nghiệp TDTT của quận; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, cộng đồng xã hội và đơn vị hợp tác, đầu tư; không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao của Trung tâm TDTT quận.
Lãnh đạo Trung tâm TDTT quận Hai Bà Trưng cho biết: Tháng 11-2014, trung tâm ký hợp đồng hợp tác quản lý, đầu tư và khai thác sân bóng đá ngõ 176 Trương Định với Công ty cổ phần Đầu tư ISB (trụ sở 44 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Theo đó, Công ty ISB đầu tư 100% vốn để xây dựng 4 cụm sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân tập đa năng, nhà tập Gym, khu vực căng tin, bán đồ thể thao… với tổng nguồn vốn hơn 6 tỷ đồng, thời hạn hợp đồng 6 năm (Hiện nay, Công ty ISB mới hoàn thành giai đoạn I, đưa vào sử dụng, khai thác 4 sân cỏ nhân tạo). Mỗi tháng, Công ty ISB nộp về Trung tâm TDTT quận 70 triệu đồng. Điều khoản khai thác sử dụng cũng được quy định rõ: Trung tâm TDTT quận có quyền khai thác sử dụng các hạng mục của sân để phục vụ các lớp năng khiếu bóng đá, các hoạt động mang tính sự kiện của địa phương, các giải thi đấu TDTT các cấp. Tuy nhiên, khi lớp năng khiếu bóng đá hè của trung tâm được tổ chức và bắt đầu khai giảng theo lịch học thì đã bị nhân viên Công ty ISB ngăn cản. Bởi Công ty ISB cho rằng: Mô hình hoạt động mở lớp dạy bóng đá của Trung tâm TDTT quận không đúng với tiêu chí phát triển năng khiếu trên địa bàn vì tuyển sinh tràn lan trên các quận, thu học phí các học viên; do đó tương đối giống các lớp học “bóng đá cộng đồng” mà công ty đang tổ chức.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, lãnh đạo Trung tâm TDTT quận Hai Bà Trưng cho biết: Trung tâm TDTT quận vừa là nơi rèn luyện TDTT, vừa là nơi đào tạo, qua đó phát hiện các VĐV năng khiếu; từ đó giới thiệu lên Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội. Trong những năm qua, trung tâm vẫn thường xuyên duy trì các lớp năng khiếu: Bóng đá, bóng bàn, khiêu vũ thể thao, các môn võ… phục vụ các em học sinh trên địa bàn quận. Trong năm học, các lớp năng khiếu bóng đá vẫn học bình thường, tuy số lượng buổi học ít hơn: 2 buổi/tuần. Dịp hè, trung tâm tổ chức 4 buổi/tuần. Việc thu tiền (250.000 đồng/tháng) đối với học viên - đây là số tiền không lớn, chủ yếu phục vụ mua nước, bóng, đồng phục. Học phí thấp như vậy là để bảo đảm cho các cháu có điều kiện tham gia các hoạt động TDTT, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh trong dịp hè; qua đó phát hiện và đào tạo năng khiếu. Chính vì vậy, lãnh đạo trung tâm cho rằng sẽ là nghịch lý khi lớp bóng đá năng khiếu của quận, tập luyện trên sân của chính mình nhưng lại phải bỏ tiền thuê sân.
Trước những bất cập nảy sinh trên, rất mong các cấp chính quyền sớm vào cuộc giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho các em học sinh; đồng thời tránh những rắc rối tiếp tục nảy sinh giữa các bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.