(HNMĐT) - Vừa qua, nhóm chuyên gia tư vấn của Chương trình BirdLife Quốc tế tại Việt Nam và cán bộ của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đã tiến hành khảo sát, đánh giá đa dạng sinh học tại một số khu vực trong Vườn. Mặc dù kết quả điều tra cho thấy, Vườn quốc gia này hiện vẫn xứng đáng là một Vùng chim quan trọng trong Vùng Chim đặc hữu, nhưng các giá trị đa dạng sinh học tại đây đang bị xâm hại.
Một con Bồng chanh rừng được ghi nhận trong đợt khảo sát. Ảnh: Nguyễn Trường Sơn
Đây là một phần hoạt động của dự án “Lồng ghép quản lý đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, tỉnh Đăk Lăk, Việt Nam” (IWBM), do Quỹ Môi trường Toàn cầu, Ngân hàng Thế giới tài trợ. Những thông tin thu thập được trong đợt khảo sát này là cơ sở để xây dựng một chương trình giám sát đa dạng sinh học và kế hoạch quản lý cho VQG CYS.
Thảm thực vật nguyên sinh trải từ độ cao trên 800m tới đỉnh Chư Yang Sin (2.442m) hầu như vẫn chưa bị tác động. Tại đây, đoàn khảo sát đã ghi nhận nhiều loài cây hạt trần đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam và có giá trị bảo tồn toàn cầu, như: thông Đà Lạt Pinus dalatensis, thông hai lá dẹt Pinus krempfii, và pơ mu Fokienia hodginsii. Kết quả khảo sát về khu hệ động vật lần này cũng phản ánh tầm quan trọng bảo tồn của Chư Yang Sin.
Trong phạm vi khảo sát khoảng 25 km2 (2.500 ha), đoàn cũng ghi nhận 8 đàn vượn má hung Nomascus gabriellae, một đàn voọc vá chân đen Pygathrix nemaeus nigripes, các loài khỉ mặt đỏ Macaca arctoides và khỉ đuôi dài Macaca fascicularis; khẳng định sự tồn tại của một quần thể bò tót Bos gaurus khoảng 3-4 cá thể.
Các loài dơi và thú nhỏ lần đầu tiên được nghiên cứu tại đây và đã ghi nhận một loài Chuột chũi (Talpidae). Các loài chim ghi nhận lần này cũng phản ánh các tiêu chí của Vùng Chim Quan trọng (IBA), như: khướu đầu đen má xám Garrulax yersini, khướu đầu đem Garrulax milleti, Mi Núi Bà Crocias langbianis, khướu mỏ dài Jabouilleia danjoui, gà tiền mặt đỏ Polyplectron germaini và trĩ sao Rheinardia ocellata.
Mặc dù kết quả điều tra cho thấy VQG CYS hiện vẫn xứng đáng là một IBA trong Vùng Chim Đặc hữu (vùng có ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học ở cấp toàn cầu) cao nguyên Đà Lạt, nhưng theo các chuyên gia, các giá trị đa dạng sinh học của Chư Yang Sin đang bị xâm hại bởi cộng đồng địa phương, đặc biệt là săn bắn và bẫy do thợ săn người H’Mông di cư tự do vào đây từ vùng núi xa xôi ở các tỉnh miền Bắc.
Tham gia đợt khảo sát lần này, nhiều cán bộ của VQG CYS đã được đào tạo các kỹ năng về khảo sát và đánh giá đa dạng sinh học.
Đây là lần đầu tiên cán bộ của VQG CYS được biết về các kỹ năng thu thập số liệu đa dạng sinh học, và đây cũng là cơ hội để những cán bộ này tận mắt quan sát, phân biệt nhiều loài động, thực vật quý hiếm và đặc hữu của VQG CYS. Trong thời gian tới, những học viên này sẽ thực hiện một chương trình giám sát đa dạng sinh học cho Vườn.
N.Hương
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.