Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các dự án nuôi trồng thủy sản tập trung: Vẫn “nằm trên giấy”

Ngọc Quỳnh| 11/04/2014 06:36

(HNM) - Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhưng hiệu quả thấp.



Để nâng cao chất lượng và năng suất, từ năm 2009 thành phố đã phê duyệt chương trình NTTS giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020. Tuy đã có 12 dự án được phê duyệt nhưng đến thời điểm này đa số dự án vẫn "nằm trên giấy" dù chương trình đã đi gần hết chặng đường.

Thu hoạch cá tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Viết Thành


Mới có một dự án được bố trí vốn

Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, Hà Nội có 21.044ha NTTS, nhưng chủ yếu là nuôi các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép… (chiếm 83%), sản lượng đạt 72.082 tấn. Do người dân làm theo phương thức quảng canh, dựa vào kinh nghiệm là chính nên năng suất chỉ đạt 3-6 tấn/ha, hiệu quả kinh tế không cao. Nguồn vốn đầu tư cho xây dựng vùng NTTS còn hạn hẹp dẫn tới nuôi tự phát, nhỏ lẻ, không có cơ sở chế biến thủy sản nên người dân luôn chịu áp lực về "được mùa mất giá"… Vì vậy, để nâng cao giá trị NTTS, từ năm 2009 thành phố đã phê duyệt chương trình NTTS từ năm 2010-2015, tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, sẽ tập trung chuyển đổi các vùng ruộng trũng, trồng hoa màu kém hiệu quả sang NTTS. Thành phố đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các vùng NTTS bao gồm đường, điện, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, chợ đầu mối… và các cơ sở sản xuất con giống; nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, nhằm bảo đảm cung ứng con giống đạt yêu cầu chất lượng cao, an toàn dịch bệnh, đồng thời tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình nuôi thâm canh, thủy đặc sản. Mục tiêu đến năm 2015, tổng diện tích NTTS toàn thành phố đạt 23.000ha và năm 2020 đạt 24.000ha; sản lượng thủy sản năm 2015 đạt khoảng 115.000 tấn, năm 2020 là 132.000 tấn.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Hoàng Tiến Minh cho biết, đến thời điểm này, đã có 12 dự án chuyển đổi được lập, hình thành vùng NTTS tập trung với tổng diện tích 2.400ha, trong đó diện tích chuyển đổi từ ruộng trũng sang nuôi thủy sản là 1.424ha. Năm 2010-2011, có 4 dự án thủy sản đã được phê duyệt đầu tư với diện tích 1.152ha, 6 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư diện tích 1.135ha và 2 dự án đang được lập xin chủ trương đầu tư của thành phố. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có 1/12 dự án nuôi trồng tập trung tại 2 xã Trung Tú và Đồng Tân (Ứng Hòa) được bố trí vốn để làm hạ tầng, đường thoát nước... với kinh phí 16/77 tỷ đồng, hiện các hộ đang tập trung thả nuôi. Các hạng mục còn lại như đường giao thông nội đồng mới chỉ đắp bờ đất mà chưa được kiên cố hóa, chợ đầu mối cũng chưa được triển khai... do đó, vẫn gây khó khăn cho các hộ NTTS. Các dự án còn lại vẫn đang chờ kinh phí và làm các thủ tục để xin chủ trương đầu tư.

Cơ chế chưa có đột phá

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Hoàng Tiến Minh, việc chậm triển khai các dự án là do xây dựng chương trình trước khi có Luật Thủ đô và quy hoạch thủy sản nên việc thực hiện khó khăn. Thời gian qua, thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa, đã xuất hiện các vùng chuyên canh NTTS nhưng trong đề án chưa tính đến. Mặt khác, các dự án chủ yếu chỉ đầu tư hạ tầng nên các huyện chỉ tập trung lập dự án đầu tư hạ tầng mà chưa lập dự án về quản lý, sản xuất. Quy hoạch thủy sản mới được phê duyệt theo Quyết định số 1836/QĐ-UBND ngày 25-2-2013 của UBND TP Hà Nội nên việc triển khai chương trình còn gặp nhiều khó khăn. Các dự án hỗ trợ hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung đã được thành phố phê duyệt đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn nên không thể triển khai. Cơ chế, chính sách khuyến khích cho phát triển thủy sản chưa có tính đột phá, không những chưa tạo đà phát triển đồng bộ mà còn chưa thu hút được doanh nghiệp, tổ chức đầu tư trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ở huyện Ba Vì, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình, từ năm 2010, thành phố phê duyệt dự án vùng NTTS tại 5 xã Cổ Đô, Phong Vân, Phú Đông, Phú Cường, Vạn Thắng với diện tích 342ha, kinh phí 127 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn "nằm trên giấy", huyện còn nợ đơn vị tư vấn hơn 3 tỷ đồng vì không có kinh phí. Hiện tại, người dân ở các xã này đã dồn đổi được 200ha và đang NTTS tự phát, hệ thống đường giao thông, điện, thủy lợi nội đồng chưa được đầu tư khiến hiệu quả thấp. "Huyện đề nghị thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí triển khai dự án, làm hạ tầng hệ thống tiêu thoát nước… tạo thuận lợi cho người dân đầu tư con giống, mở rộng sản xuất. Nếu không sẽ rất khó khăn vì hầu hết diện tích này đều là vùng trũng không thể nuôi con gì khác ngoài thủy sản" - ông Trình cho biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các dự án nuôi trồng thủy sản tập trung: Vẫn “nằm trên giấy”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.