(HNM) - Các địa phương tiếp đà cải cách, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp ngay từ khi được thành lập; cảm nhận, đánh giá của doanh nghiệp về hiệu quả công tác điều hành, tạo môi trường cho doanh nghiệp hoạt động là nội dung chính của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, công bố ngày 15-4, tại Hà Nội.
Hà Nội giữ vị trí trong tốp 10
Theo Báo cáo PCI, điểm số giữa các địa phương và giữa các nhóm dẫn đầu, trung bình và thấp ngày càng thu hẹp dần, thể hiện rõ sự quan tâm, tập trung cải cách, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh của từng địa phương.
Ở nhóm dẫn đầu, tỉnh Quảng Ninh lần thứ 4 liên tiếp giữ vị trí quán quân với 75,09 điểm, tăng 1,69 điểm so với năm 2019. Đứng thứ hai là tỉnh Đồng Tháp đạt 72,81 điểm, tăng 1,1 điểm. Tỉnh Long An tăng 5 bậc so với năm 2019 lên vị trí thứ 3.
Thành phố Hà Nội tiếp tục đứng thứ 9, với 69,93 điểm, tăng 1,13 điểm so với năm 2019; cùng thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Phòng, Bến Tre, Vĩnh Long đứng trong tốp 10.
Trong 10 chỉ số thành phần, Hà Nội được đánh giá cao về đào tạo lao động (7,85 điểm), chi phí thời gian (7,93 điểm), chi phí gia nhập thị trường (6,74 điểm), dịch vụ hỗ trợ lao động (6,68 điểm). Hà Nội cũng có nhiều cố gắng nhằm giảm chi phí không chính thức, tăng cạnh tranh bình đẳng và tăng tính minh bạch, năng động của chính quyền.
Ở tốp dưới, các địa phương đứng cuối bảng vẫn thuộc khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, như Hà Giang, Đắk Nông, Bắc Kạn...
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhận định, xu hướng cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đang diễn ra khá đều khắp. Điểm số của các địa phương ở vị trí trung bình tiếp tục gia tăng (từ mức 55 điểm lên 60 điểm), cho thấy lãnh đạo địa phương đã chủ động quan tâm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, doanh nghiệp đánh giá tích cực hơn về hiệu quả chống tham nhũng. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết không phải trả “chi phí không chính thức” giảm xuống mức 44,9% so với mức 66% của năm 2016. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều doanh nghiệp cho biết đã “quen” với chi trả “chi phí không chính thức”. Về mức độ “chi phí không chính thức”, Báo cáo PCI 2020 ghi nhận 27,7% doanh nghiệp có chi cho cán bộ thanh tra, kiểm tra; 32% doanh nghiệp có chi để thúc đẩy nhanh thủ tục đất đai và 54% doanh nghiệp cho biết “hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”…
Kiên trì cải thiện môi trường kinh doanh
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Báo cáo PCI lần này không chỉ phản ánh thứ hạng các tỉnh, thành phố về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh mà còn đề cập những vấn đề lớn khác, như ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Báo cáo PCI năm 2020 định vị sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư và phản ánh kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp vào nỗ lực cải cách của chính quyền các cấp trong 5 năm tới.
Cụ thể, theo báo cáo, dịch bệnh tác động tiêu cực đến doanh nghiệp trên diện rộng; thị trường nội địa bị thu hẹp và các chuỗi cung ứng bị gián đoạn là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp. Khoảng 1/3 doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19… Đặc biệt, trong các chính sách hỗ trợ, chính sách thuế, phí được đánh giá cao về mức độ dễ tiếp cận và tính hữu ích…
Đáng chú ý, lần đầu tiên Báo cáo PCI 2020 đã đưa ra những phân tích, nhận định về động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường, một định hướng lớn của Đảng và Chính phủ đề ra gần đây trong việc nâng cao chất lượng thu hút đầu tư vì sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.
Ở góc độ cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài, môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2020 có cải thiện đáng kể, trong đó dấu ấn đậm nét là việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Gần 40% doanh nghiệp nước ngoài coi chống tham nhũng là điểm mạnh của Việt Nam… Nhưng 18% doanh nghiệp nước ngoài vẫn phàn nàn về khâu khai trình việc sử dụng lao động; 17% cho biết gặp vướng mắc với việc kiểm tra tên doanh nghiệp để tránh trùng với doanh nghiệp khác đã đăng ký...
Về các khuyến nghị, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, dù PCI tăng tiến qua từng năm nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vẫn cần tiếp tục kiên trì thực hiện cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; từ đó hun đúc khát vọng khởi nghiệp cũng như hỗ trợ những doanh nghiệp đã đi vào thị trường. Trong đó, cần giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tình trạng vòi vĩnh, thái độ thờ ơ và thay vào đó là nhân lên sự đồng cảm. Đại diện một số cơ quan hữu quan cũng nhìn nhận, nếu lãnh đạo cấp tỉnh luôn theo sát tình hình, thật sự đồng hành cùng doanh nghiệp thì sẽ đạt kết quả ngày càng cao trên con đường cải cách, vì doanh nghiệp.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong khi dịch Covid-19 chưa bị đẩy lùi hoàn toàn, Chính phủ vẫn nên duy trì những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, để từng bước hồi phục, tăng tốc phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung cung cấp thông tin thị trường đầu vào; hoãn, giãn, giảm thuế và phí; thúc đẩy khởi nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.