Phát biểu trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng nước này Hillary Clinton thông báo Mỹ, Nga và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về dự thảo nghị quyết trừng phạt chống Iran và sẽ lưu hành văn kiện dự thảo trên đến toàn thể Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong ngày 18/5.
Đề cập đến các cuộc thảo luận giữa năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ cùng với Đức (Nhóm P5+1), bà Hillary cho biết các cường quốc "đã nhất trí về một dự thảo kiên quyết (về các biện pháp trừng phạt mới chống Iran) với sự hợp tác của cả Nga và Trung Quốc".
Thông báo của Ngoại trưởng Mỹ là một chuyển biến bất ngờ trong nỗ lực ngoại giao giữa cộng đồng quốc tế và Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.
Trước đó một ngày, Iran đã ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil về chuyển urani làm giàu cấp độ thấp sang Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy nhiên liệu hạt nhân cho một lò phản ứng ở Tehran.
Thỏa thuận mà bà Clinton thông báo dường như là sự bác bỏ đối với thỏa thuận trao đổi hạt nhân của Iran do Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp thực hiện.
Ankara đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rút khỏi thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân mới đạt được nếu như phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt mới với Iran.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 18/5 ở Istanbul, Ngoại trưởng Ahmed Davutoglu tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ không nhận thấy "sự cần thiết" phải tiếp tục trừng phạt Iran sau khi Tehran ký thỏa thuận chuyển urani đã làm giàu ở mức độ thấp ra nước ngoài.
Bác bỏ những nghi ngờ của phương Tây về ý định của Iran và cuộc đàm phán thúc đẩy các biện pháp trừng phạt của những nước này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết "việc thảo luận các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ làm hỏng bầu không khí" hiện nay.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy coi thỏa thuận về chuyển giao nhiên liệu hạt nhân của Iran sang Thổ Nhĩ Kỳ là một "bước tiến tích cực"./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.