Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh: Bảo vệ nhân viên y tế trong đại dịch Covid-19

Hà Phạm| 13/04/2020 06:44

(HNM) - Sau khi nhiều nhân viên y tế ở một số bệnh viện trong nước phải cách ly, thậm chí có người nhiễm Covid-19, các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh tăng cường siết chặt hơn nữa việc kiểm soát, kiểm tra sàng lọc người đến bệnh viện. Giải pháp quan trọng này giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm phải mặc đầy đủ đồ bảo hộ để tránh lây nhiễm Covid-19.

Sàng lọc từ bên ngoài

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cuối tuần qua tại một loạt bệnh viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như: Nhi đồng 1, Thống Nhất, Từ Dũ, Quận 2, Răng Hàm Mặt…, cho thấy tại đây đều áp dụng quy trình sàng lọc Covid-19 rất cẩn thận. Tại Bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình), ngay từ cổng, mọi người ra vào đều được quét thân nhiệt tự động bằng camera hồng ngoại từ xa. Đây là đơn vị đầu tiên tại thành phố sử dụng máy quét nhiệt độ tự động kiểm tra thân nhiệt cho người đứng cách xa khoảng 5m.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, những trường hợp máy báo thân nhiệt trên 37,5 độ sẽ có nhân viên y tế hướng dẫn đến phòng cách ly tạm thời, điều tra dịch tễ một cách kỹ lưỡng hơn. Bệnh viện đặc biệt lưu ý việc bố trí khu phòng khám sàng lọc phải gần cổng hoặc khu tiền sảnh, ở vị trí thông thoáng và tách biệt với các khoa phòng. Việc này nhằm tránh để người có thể nhiễm Covid-19 tự do đi lại trong khu vực khám, chữa bệnh làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh cho cộng đồng và nhân viên y tế.

Còn Bệnh viện Quận 2 đã bố trí 3 điểm sàng lọc bệnh nhân, nhân viên y tế và dành lối đi riêng cho những người có triệu chứng sốt, ho để đến phòng khám riêng biệt. Việc sàng lọc từ đầu cũng được áp dụng cho các trường hợp cấp cứu, nhằm tránh các ca nghi ngờ trong cộng đồng, bảo đảm an toàn cho mọi người.

Với số lượng người đến và đi mỗi ngày gần 10.000 người, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5) đã triển khai ki ốt “khai báo y tế” giúp tầm soát và sàng lọc bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. “Ki ốt này có thể thực hiện theo dõi các mối liên hệ chặt chẽ với người nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19 nếu có thời gian đến bệnh viện. Vì vậy, việc truy tìm dấu vết để xác định ổ dịch rất thuận lợi và giúp việc dập dịch hiệu quả hơn. Người dân cũng không phải khai báo bằng giấy gây quá tải, an toàn cho mọi người”, bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết.

Không để nhân viên y tế lây nhiễm Covid-19

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) cho hay, tất cả nhân viên y tế khám sàng lọc, điều trị, thực hiện các kỹ thuật liên quan đến người bệnh hoặc nghi nhiễm Covid-19 đều phải có đầy đủ phương tiện phòng hộ. Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì kíp trực cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như cấp cứu cho người nhiễm Covid-19. Ngoài ra, từ ngày 30-3, bệnh viện đã tạm ngưng hoạt động một số khoa khám bệnh nhằm hạn chế tụ tập đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong môi trường bệnh viện.

Tại Bệnh viện Quân dân y Miền Đông (quận 9), việc khám, chữa bệnh cho người dân vẫn diễn ra bình thường. “Để bảo đảm bệnh viện không bị thiếu hụt đội ngũ y tế trong lúc khẩn cấp và chăm lo tốt sức khỏe cho nhân viên y tế, bệnh viện bố trí 50% đội ngũ nhân sự đi làm, 50% ở nhà, làm việc luân phiên nhau”, bà Ngô Thị Xuân, Điều dưỡng trưởng (Khoa Cách ly đặc biệt - Bệnh viện Quân dân y Miền Đông) chia sẻ.

Còn tại Bệnh viện Quận 2, sau gần 10 ngày thi công, 3 cabin khử khuẩn tự động dành cho việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đã hoàn tất, đưa vào sử dụng. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho biết, người nghi nhiễm Covid-19 sẽ đứng trong cabin khi lấy mẫu xét nghiệm và được khử khuẩn tự động 2 lần. Còn nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm mặc đồ bảo hộ, đứng bên ngoài lấy mẫu qua bao tay, nhằm giảm thiểu tiếp xúc, tránh lây nhiễm.

Là nơi đang điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 và cách ly nhiều đối tượng tiếp xúc gần, nghi nhiễm cao (F1), các nhân viên y tế thuộc Bệnh viện dã chiến Củ Chi đối diện nguy cơ cao lây nhiễm nên phải tuân thủ nghiêm ngặt việc mang các thiết bị y tế phòng hộ. Mới đây, Bệnh viện dã chiến này đưa rô bốt khử khuẩn phòng cách ly vào hoạt động nhằm thay thế nhân viên y tế, tránh nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh. Rô bốt này có 2 chức năng chính là phun xịt thuốc khử khuẩn và lau sàn nhà sau khi phun xong. Ngoài ra, rô bốt còn biết tự khử khuẩn mình trước khi ra khỏi phòng cách ly.

GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Sở đã sớm có kế hoạch bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế tham gia điều trị các bệnh nhân dương tính với Covid-19. Việc đưa những rô bốt vào hoạt động làm thay nhân viên y tế trong phun thuốc khử khuẩn phòng cách ly, giảm nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh. Thời gian tới, Sở sẽ trang bị rô bốt khử khuẩn cho tất cả bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị người nhiễm Covid-19.

Tại các cuộc họp với Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân luôn nhấn mạnh, thành phố ưu tiên trang bị cho các nhân viên y tế những thiết bị tốt nhất, ưu việt nhất, không để người nào bị lây nhiễm Covid-19 do thiếu các đồ bảo hộ. Các nhân viên y tế không bị lây nhiễm cũng chính là thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh: Bảo vệ nhân viên y tế trong đại dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.