Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các bảo tàng làm du lịch: Thiếu dũng cảm, không thể thay đổi

Lâm Vũ| 08/03/2014 07:20

(HNM) - Bảo tàng là một trong những địa điểm hấp dẫn du khách vì qua đó họ có thể tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của vùng đất nơi họ đặt chân đến. Việt Nam có một hệ thống bảo tàng lớn và sở hữu nhiều hiện vật có giá trị. Thế nhưng, hầu như các bảo tàng của chúng ta hiện nay rất vắng khách.


Thực trạng đáng buồn

Trong các lịch trình tour du lịch đi nước ngoài, bảo tàng luôn là một trong những điểm đến không thể thiếu. Ví dụ, đến Pháp, người ta sẽ thăm Bảo tàng Louvre; đến Nga, du khách sẽ không thể bỏ qua Bảo tàng Hermitage... Các bảo tàng này thu hút hàng vạn lượt khách mỗi ngày, đem lại nguồn thu lớn cho bảo tàng và góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Hiện nay, trên cả nước có khoảng 120 bảo tàng, gồm bảo tàng của các tỉnh, bảo tàng chuyên ngành, nhưng số lượng khách đến tham quan những nơi này rất ít. Ngay cả những bảo tàng nổi tiếng như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam… số lượng khách đến thăm nhiều nhất cũng chỉ khoảng 2 triệu người/năm, còn phần lớn là khoảng vài vạn.

Du khách quốc tế tham quan Bảo tàng Dân tộc học.Ảnh: Bảo Lâm



Nói về nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng, đó là do sự gắn kết giữa hoạt động bảo tàng và du lịch chưa thực sự chặt chẽ. Các bảo tàng chưa mặn mà với việc làm du lịch, chưa có sản phẩm để thu hút du khách. Việc thiết kế, trưng bày còn làm theo kiểu cũ, chủ yếu là nhằm mục đích tuyên truyền, hiện vật được trưng bày tùy tiện, ý tưởng không rõ ràng. Bên cạnh đó, khâu tuyên truyền, quảng bá của các bảo tàng cũng rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp lữ hành do không có thông tin về sản phẩm của bảo tàng nên cũng không đưa vào tour giới thiệu cho khách. Thuyết minh cũng là một khâu yếu của bảo tàng khi chưa giới thiệu được những cái mà bảo tàng có, chưa có cách "kể chuyện" hấp dẫn du khách. Có một thực tế là, đội ngũ làm công tác thuyết minh thường tốt nghiệp các trường đại học thuộc các ngành bảo tàng, lịch sử, ngoại ngữ… những người am hiểu nội dung trưng bày thì ngoại ngữ chưa tốt, người có ngoại ngữ tốt thì lại chưa nắm chắc được nội dung.

Tái cấu trúc để thu hút khách

Cũng giống như các bảo tàng khác của Việt Nam, giai đoạn trước đây, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam không đông khách. Chính vì vậy, từ năm 2003, lãnh đạo bảo tàng đã quyết định đổi mới cách làm bảo tàng. Tuy giữ lại số lượng lớn nội dung trưng bày, nhưng bảo tàng đã cấu trúc lại để ý tưởng rõ ràng, hiện vật trưng bày gần gũi với cuộc sống và được kể theo mạch một cách hấp dẫn. Bà Nguyễn Hải Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: "Những câu chuyện được kể trong bảo tàng không phải là những gì vĩ đại, lớn lao, to tát mà là những chuyện gắn với cuộc sống bình thường đang diễn ra và đây chính là điểm thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Ví dụ, khi làm chuyên đề phụ nữ Việt Nam với việc sinh nở, chúng tôi kể những câu chuyện về tục kiêng cữ cho người phụ nữ trong thời gian mang thai, sinh con, sau sinh con, những tục về những nghi lễ đặt tên, cúng mụ… Tóm lại, đó là các tri thức dân gian gần gũi với cuộc sống đời thường". Công tác quảng bá cũng được lãnh đạo ở đây quan tâm bởi họ tâm niệm dù bảo tàng có sản phẩm tốt nhưng nếu như không làm cho công chúng thấy được điều đó thì sản phẩm ấy cũng không có ý nghĩa. Chính vì vậy, không chỉ các buổi tọa đàm với các công ty lữ hành được tổ chức mà còn có cả các buổi tập huấn cho hướng dẫn viên để họ nắm rõ từng sản phẩm của bảo tàng.

Bảo tàng không phải là nơi phản ánh những gì xảy ra trong quá khứ mà là nơi du khách có thể tìm kiếm tất cả những gì đang xảy ra ngay trong cuộc sống hiện tại. Với tư duy làm bảo tàng đổi mới như vậy nên ngay từ khi mở cửa trở lại, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã có phòng triển lãm nghiên cứu chuyên đề phản ánh một phần cuộc sống hiện nay như: Buôn bán phụ nữ trẻ em, bạo lực gia đình, người di cư kiếm sống ở Hà Nội… Nhân ngày 8-3 năm nay, bảo tàng cho ra mắt triển lãm "Chuyện của chợ", kể câu chuyện về chợ xưa, chợ nay, sự biến đổi của chợ... Coi việc tương tác là yếu tố thu hút khách du lịch, một phiên chợ quê ngay tại bảo tàng được tái hiện. Đến xem triển lãm, du khách được đi chợ, ăn những món quà quê và mua những sản phẩm từ các làng quê Việt Nam.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng là đơn vị duy trì chiến lược thu hút khách dài hơi. Trong quá khứ, có những ngày tuy chỉ bán được một vé trong khi tiền điện để duy trì hoạt động đã lên tới 3 triệu đồng mỗi ngày nhưng bảo tàng vẫn mở cửa đón khách với những sản phẩm tốt nhất. Chính điều này đã khiến số lượng khách đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ ngày một tăng. Nếu năm 2012, con số này là gần 100 nghìn lượt, thì năm 2013 đã tăng gấp đôi. Năm 2013, bảo tàng cũng lọt vào trong top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á.

Sự thành công của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho thấy, việc thu hút khách du lịch đến với bảo tàng tuy khó nhưng không phải không làm được. Bởi bảo tàng của nước ta không thiếu hiện vật, thậm chí còn sở hữu rất nhiều hiện vật có giá trị cao. Điều còn "thiếu" có lẽ là sự dũng cảm để thay đổi tư duy trong cách làm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các bảo tàng làm du lịch: Thiếu dũng cảm, không thể thay đổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.