(HNMO)- Ca sỹ, NSƯT Đức Long vốn nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình, tiền chiến, anh là giọng ca nam hiếm hoi sống được với dòng nhạc xưa này. Không quá nổi tiếng như nhiều ca sỹ trẻ, nhưng giọng ca Đức Long vẫn có một vị trí vững trãi trong lòng khán giả với các tình khúc của Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Y Vân…
(HNMO)- Ca sỹ, NSƯT Đức Long vốn nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình, tiền chiến, anh là giọng ca nam hiếm hoi sống được với dòng nhạc xưa này. Không quá nổi tiếng như nhiều ca sỹ trẻ, nhưng giọng ca Đức Long vẫn có một vị trí vững trãi trong lòng khán giả với các tình khúc của Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Y Vân…
Vào thời điểm đầu năm mới 2010, NSƯT Đức Long và Cty CP Nghe Nhìn Thăng Long vừa cho ra mắt album nhạc xưa mang tên “Tôi đi giữa hoàng hôn” với tuyển chọn nhiều tình khúc nhạc xưa của nhiều tác giả được viết trong giai đoạn 1968 – 1972 tại miền Nam Việt Nam.
Đây là album thứ 7 của Đức Long hợp tác với Cty CP Nghe nhìn Thăng Long gồm các album: “Chuyển bến”; “Thương một người” (hát chung với ca sĩ Lô Thuỷ); “Xin còn gọi tên nhau” (hát chung với ca sĩ Minh Huyền); “Xuống phố mùa thu”; “ Nơi gặp gỡ tình yêu”.
Album gồm các ca khúc trữ tình vang bóng một thời như: “Dấu tình sầu” (Ngô Thuỵ Miên); “Kiếp dã tràng” (Từ Công Phụng); “Ngăn cách” (Y Vân); “Nghìn trùng xa cách” (Phạm Duy); Nửa hồn thương đau” (Phạm Đình Chương, thơ Thanh Tâm Tuyền); “Thành phố mưa bay” (Bằng Giang); “Thung lũng hồng” (Phạm Mạnh Cương); Tôi đưa em sang sông” (Trần Nhật Ngân); “Tôi đi giữa hoàng hôn” (Văn Phụng).
Ca sĩ, NSƯT Đức Long hiện là diễn viên Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, đồng thời là giảng viên thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Giống nhiều nghệ sĩ thuộc thế hệ của mình, trưởng thành từ phong trào nghệ thuật quần chúng, rồi được đào tạo chính quy trong môi trường Nhạc viện, ca sĩ Đức Long có thể hát được rất nhiều thể loại ca nhạc. Và công chúng thường thấy anh không mấy khi vắng bóng trên những sàn diễn trang trọng trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, giọng ca Đức Long được biết đến nhiều ở những tình khúc tiền chiến gắn liền với nhiều tên tuổi lớn: Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Văn Cao…, ở nhiều nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn và ở nhiều ca khúc trữ tình lãng mạn mà Album “Tôi đi giữa hoàng hôn” là một tiếp nối.
Bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, sống bình dị, ung dung tự tại, say mê nghề nghiệp, không tự đánh mất mình trong đời sống náo nhiệt, nhiều khi lẫn lộn thật giả của thị trường âm nhạc hôm nay - Đức long là một giá trị, một nghệ sĩ đích thực theo đúng nghĩa của danh từ này. Chất giọng trầm ấm, sâu lắng, kỹ thuật thanh nhạc chuẩn mực cùng với sự am tường sâu sắc tác phẩm và cả tác giả mà mình lựa chọn thể hiện, mỗi bài ca anh hát dường như là hát cho riêng mình, hát bằng những trải nghiệm của chính cuộc đời mình, bởi vậy tiếng hát anh nhanh chóng tìm được sự đồng cảm của đông đảo công chúng yêu nhạc, và đến được với cả những thính giả nghiêm túc và kỹ tính.
Khi được hỏi tại sao anh chỉ hát đơn trong album “Tôi đi giữa hoàng hôn” lần này, Đức Long chỉ cười hiền và nói: “Có thể vì tôi không đẹp trai nên không ai chịu hát đôi!” (Cười). Tuy nhiên anh cũng giải thích vì dòng nhạc của anh là dòng nhạc tiền chiến, nên chọn được người hát đôi rất khó. Có ca sỹ được đào tạo khá cơ bản, chất giọng tốt nhưng họ không hẳn đã đủ tình yêu với dòng nhạc này nên sẽ chỉ hát đúng chứ không thăng hoa. Tôi hy vọng với cách thể hiện của mình trong album này sẽ làm hài lòng khán giả yêu mến nhạc tiền chiến. Sau album này, dự định tiếp theo của tôi sẽ là một album vào mùa Thu (7/2010) với tên gọi “Bản tình ca cho em” vẫn với phong cách trữ tình.
Tuyết Minh
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.