(HNMO) - Sáng 27-12, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành, kết nối từ điểm cầu chính tại trụ sở Bộ Nội vụ (Thủ đô Hà Nội) tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự và chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương.
Điểm cầu thành phố Hà Nội đặt tại trụ sở UBND thành phố có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; lãnh đạo các sở, ban, ngành và cán bộ ngành Nội vụ thành phố.
Đạt nhiều kết quả quan trọng
Sau phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của ngành Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nêu rõ, năm 2019, với quyết tâm chính trị cao, Bộ Nội vụ đã đề ra phương châm hành động là “Tăng tốc, bứt phá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin”. Toàn ngành đã chủ động, tập trung, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hiệu quả vào công tác xây dựng thể chế, chính sách, cải cách hành chính, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...
Hiện nay, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 253.517 biên chế, giảm 8,68% so với số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ trung ương đến cấp huyện được giao năm 2015. Năm 2019, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước (khối Chính phủ quản lý) so với năm 2015 tại 63/63 tỉnh, thành phố giảm 4,26%; tại 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 8/8 cơ quan thuộc Chính phủ giảm 11,85%. Từ năm 2015 đến ngày 20-12-2019, cả nước đã thực hiện tinh giản biên chế 50.547 người.
Trong năm 2019, ngành Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành thường xuyên rà soát, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, gắn kết chặt chẽ với thực hiện các chính sách tinh giản biên chế. Đến nay, 54/63 địa phương cấp tỉnh thực hiện việc sáp nhập các trung tâm y tế có cùng chức năng để thành lập Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật; 437/713 cấp huyện thực hiện hợp nhất bệnh viện huyện và trung tâm y tế.
Năm 2020, ngành Nội vụ xác định phương châm hành động là “hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ cương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin”, với 6 trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành và 6 giải pháp chủ yếu. Đáng chú ý, ngành sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện danh mục và bản mô tả vị trí việc làm của cán bộ, công chức để hoàn thiện việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, tinh giản biên chế và thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Trong thực hiện, ngành sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kỷ luật, phát huy trách nhiệm người đứng đầu; ứng dụng công nghệ thông tin...
Tại hội nghị, các tham luận đã làm rõ các kết quả công tác ngành Nội vụ ở địa phương, nêu các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Bộ Nội vụ, đồng thời khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ tập trung triển khai một số nội dung liên quan đến Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, phấn đấu hoàn thành thắng lợi sớm các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2016-2020, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.
Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị quyết liên quan đến thực hiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội; sớm ban hành khung kiến trúc điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 và các kiến trúc chính phủ điện tử cấp bộ; kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách, hướng dẫn các tiêu chuẩn, kỹ thuật, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh.
Không công khai minh bạch, cán bộ sẽ thui chột động lực phấn đấu
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương, đánh giá cao tinh thần cố gắng vượt mọi khó khăn của cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành Nội vụ trong năm 2019. Thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế còn tồn tại, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, cải cách hành chính vẫn chưa thực sự phát huy vài trò đột phá; vẫn còn tình trạng tham nhũng vặt khi giải quyết việc của người dân và doanh nghiệp.
Đề cập bối cảnh, tình hình năm 2020, đồng chí Trương Hòa Bình khẳng định, nhiệm vụ đặt ra đối với Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ rất quan trọng và nặng nề. Tập thể cán bộ, công chức, viên chức và lao động ngành Nội vụ cần nhận thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình trong việc triển khai nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, phục vụ tổ chức đại hội đảng bộ các cấp. Tập thể Bộ Nội vụ cần phát huy dân chủ, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tập trung vào 6 nhiệm vụ chủ yếu.
Trong đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý ngành tập trung cho công tác xây dựng thể chế, rà soát, bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, công chức, công vụ... Bộ Nội vụ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, chú trọng các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, kỷ luật cán bộ; rà soát, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, nâng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, hình thức.
Ngoài ra, việc xác định biên chế phải bảo đảm khoa học, sát thực tế; khẩn trương triển khai công việc để thực hiện cải cách tiền lương năm 2021 theo lộ trình, trong đó ưu tiên xây dựng danh mục vị trí việc làm, xác định chức danh tương đương. Bộ cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan ngành dọc của trung ương bảo đảm tinh gọn, hợp lý; kiên quyết tinh giản biên chế các cơ quan nhà nước theo kế hoạch đã đề ra, đồng thời nghiên cứu chế độ hợp đồng đối với viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh, những nhiệm vụ nêu trên rất quan trọng, nếu làm tốt sẽ đem lại kết quả rất lớn trong xây dựng tổ chức, bộ máy nhà nước. Đặc biệt, làm tốt cải cách tiền lương gắn với tinh giản biên chế, thực hiện công tác cán bộ công tâm, khách quan, nghiêm minh, bảo đảm các quy trình, quy định sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực cống hiến cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lao động cả nước.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nếu công tác cán bộ không công khai, minh bạch, còn tình trạng cục bộ địa phương, các loại “chạy”... thì sẽ làm thui chột động lực phấn đấu, ngọn lửa cống hiến của những cán bộ giỏi, trung thực; để những người cơ hội lọt vào đội ngũ, cán bộ xấu cũng thành tốt... Vì vậy, ngành Nội vụ phải thực hiện hiệu quả hơn nữa các nghị quyết của Đảng, nhất là các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trách nhiệm nêu gương và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng yêu cầu, Bộ Nội vụ làm tốt việc theo dõi, đánh giá công tác cải cách hành chính, tạo bước đột phá từ công tác này; giúp Chính phủ xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thông suốt từ trung ương đến cơ sở. Trong đó, ngành Nội vụ cần tăng cường kiểm tra, phát hiện nơi trì trệ, hoặc cải cách hình thức không thực chất để xử lý.
Liên quan đến yếu tố con người, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, thời gian qua, mỗi tỉnh, thành phố thực hiện một kiểu thu hút nhân tài, dẫn đến tình trạng dôi dư. Thời gian tới, Bộ Nội vụ cần phối hợp với các địa phương để rà soát, đánh giá lại chính sách này cũng như con người liên quan, không loại bỏ hàng loạt, nhưng cũng không giữ lại toàn bộ, phải lựa chọn được những người thực sự tài năng phục vụ bộ máy.
Giảm 6 huyện và 560 xã sau sắp xếp
Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn cho biết, hiện cả nước có 45 tỉnh, thành thực hiện sắp xếp. Đến nay, 42/45 tỉnh, thành gửi hồ sơ đề án chi tiết việc sắp xếp đơn vị hành chính đến Bộ Nội vụ; 3 địa phương chưa gửi hồ sơ về Bộ thẩm định là thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang.
Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 19 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. Hiện, cả nước đã giảm được 6 huyện, trong đó tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện, Quảng Ngãi giảm 1 huyện, Hòa Bình giảm 1 huyện, Quảng Ninh giảm 1 huyện.
Về cấp xã, cả nước có 1.054 đơn vị hành chính cấp xã sắp xếp, trong đó có 546 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 111 đơn vị thuộc diện khuyến khích và 397 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.