Còn khoảng 15,5% số phòng học trên cả nước chưa được kiên cố hóa, tập trung ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm học 2023-2024, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại các trường học trên cả nước đã được tăng cường đầu tư. Các địa phương đã tích cực triển khai nhiều chương trình, đề án của Chính phủ với mục tiêu bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là ở các trường học khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa… còn nhiều khó khăn.
Cả nước hiện có 38.260 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập. Tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số học sinh mầm non và phổ thông trên cả nước là gần 21,2 triệu em, trong đó nhiều nhất là ở cấp tiểu học với hơn 8,1 triệu học sinh.
Về cơ sở vật chất, tại các trường mầm non và phổ thông công lập trên cả nước có hơn 610.000 phòng học; trong đó có có gần 522.000 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ 85,5%.
Như vậy, còn khoảng 15,5% số phòng học chưa được kiên cố hóa. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, số phòng học chưa được kiên cố hóa tập trung ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.