(HNMO) - Bộ Giao thông Vận tải gửi Chính phủ dự thảo báo cáo Quốc hội về tiến độ triển khai 6 dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, theo Bộ, tất cả các dự án này đều chậm tiến độ, đội vốn và gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.
Tại Hà Nội, đến thời điểm này, mặc dù cũng đội vốn và chậm tiến độ hoàn thành đến hơn một thập kỷ, song mới chỉ có duy nhất tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành và đưa vào vận hành, góp phần giảm ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển vận tải công cộng tại Thủ đô. Dự án này được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu 8.769,9 tỷ đồng và tiến độ hoàn thành đặt ra vào năm 2013.
Tuy nhiên, dự án đã phải điều chỉnh tiến độ dự án hoàn thành vào năm 2021 với tổng mức đầu tư đội lên gần gấp đôi so với phê duyệt ban đầu (18.001,5 tỷ đồng).
Tuyến Nhổn - ga Hà Nội cơ bản hoàn thành đoạn trên cao, dự kiến cuối năm 2022 khai thác thương mại, còn đoạn đi ngầm dự kiến phải lùi tiến độ hoàn thành tới năm 2027.
Tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi, hiện đã triển khai thiết kế kỹ thuật, nhưng tạm dừng triển khai, Bộ Giao thông Vận tải đang làm thủ tục bàn giao hồ sơ để thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện.
Còn tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang được điều chỉnh dự án để triển khai các bước tiếp theo.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên thực hiện dự án từ năm 2007, vốn đầu tư 17.387 tỷ đồng và năm 2019, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư là 43.757 tỷ đồng. Dự án điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2007-2021; tiến độ dự án đến nay đạt 92,19%, dự kiến cuối năm 2022 sẽ nhích lên được 93%, nhưng hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng chưa xong. Vì vậy, thành phố Hồ Chí Minh xin lùi thời gian hoàn thành thi công vào cuối quý IV-2023, chậm tiến độ 2 năm so với kế hoạch đề ra.
Tuyến Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt là 1.374 triệu USD (tương đương 26.116 tỷ đồng) với mốc thời gian ban đầu từ năm 2010 - 2018, sau đó điều chỉnh tổng mức đầu tư là 2.093,59 triệu USD (tương đương 47.890,8 tỷ đồng), thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2026 và tiếp tục xin điều chỉnh lùi đến năm 2030. Như vậy, kể từ khi chính quyền thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt dự án cho đến khi hoàn thành mất 20 năm.
Lý giải nguyên nhân cả 6 dự án đường sắt đô thị đều bị chậm, tiến độ kéo dài, đội vốn, Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, các dự án có quy mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, quá trình triển khai đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật.
Mặt khác, dự án có công nghệ phức tạp, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam; các đơn vị thực hiện chưa có kinh nghiệm thực tiễn; các gói thầu ngoài việc thực hiện tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam còn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định phía nhà tài trợ, trong khi các yêu cầu ràng buộc theo Hiệp định vay đan xen khác nhau theo các nhà tài trợ nên khi triển khai gặp nhiều vướng mắc…
Ngoài ra, công tác nghiệm thu, thử nghiệm theo các tiêu chuẩn nước ngoài trong khi chưa có các tiêu chuẩn tương đương ở Việt Nam mất nhiều thời gian; công tác chuẩn bị cho việc đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống cho việc vận hành gặp nhiều thay đổi về quy định pháp lý và các hướng dẫn từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, dự án liên quan nhiều lĩnh vực triển khai đầu tiên tại Việt Nam, thực hiện theo các quy định hợp đồng nước ngoài và trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh các quy định pháp luật Việt Nam nên cần phải rà soát thận trọng các bước thực hiện, quản lý dự án nhằm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật trong nước và tuân thủ quy định của điều ước quốc tế và quy định các thỏa thuận vay vốn.
Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các bộ, ngành liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện để đưa các dự án vào vận hành, khai thác theo tiến độ đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.