(HNM) - 5 năm qua Bưu điện TP Hà Nội luôn phát triển với mức tăng trưởng doanh thu đạt bình quân 15%/năm.
Năm 2008 là mốc đáng nhớ với ngành BCVT nói chung và bưu điện nói riêng. Đó là từ ngày 1-1-2008, bưu chính và viễn thông thực hiện chia tách, bưu chính hoạt động độc lập với viễn thông bằng việc thành lập Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam. Bưu điện TP Hà Nội (tên gọi cũ) cũng phải chia tách bưu chính - viễn thông trên địa bàn thành Bưu điện TP Hà Nội (thuộc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam - VNPost) và Viễn thông Hà Nội - VNPT Hà Nội (do Tập đoàn VNPT quản lý). Như vậy, năm 2008 với Bưu điện TP Hà Nội có hai mốc sự kiện đáng nhớ, đó là ra "ở riêng" - chia tách bưu chính - viễn thông trên địa bàn thành Bưu điện TP Hà Nội (thuộc VNPost), Viễn thông Hà Nội và thực hiện sáp nhập với Bưu điện Hà Tây. Đây là bước chuyển đổi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bưu chính Thủ đô có điều kiện đầu tư phát triển.
Công tác phát hành, lĩnh vực được phát triển mạnh trong ngành bưu chính. Ảnh: Bá Hoạt |
5 năm qua là giai đoạn Bưu điện TP Hà Nội trải qua nhiều thách thức. Trước hết việc kinh doanh bưu chính gặp khó khăn bởi đây là lĩnh vực không sôi động như viễn thông, phục vụ công ích nhiều, ngành lại có rất nhiều lao động, địa bàn mở rộng có diện tích lớn… Để giải quyết các vấn đề này, Bưu điện TP Hà Nội từng bước tổ chức lại sản xuất, có lộ trình hợp lý, vì thế giữ được sự ổn định về tư tưởng cho CBCNV, không ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh. Về mô hình tổ chức sản xuất, Bưu điện Hà Tây cũ có 13 bưu điện huyện, 2 bưu điện thành phố (Hà Đông, Sơn Tây) được sáp nhập nguyên trạng về Bưu điện Hà Nội, nâng tổng số 29 đơn vị sản xuất trực thuộc. Tuy nhiên, giữa các bưu điện huyện của Hà Nội và Hà Tây cũ lại có sự chênh lệch lớn về quy mô tổ chức, doanh thu, lao động, dẫn tới việc quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Bưu điện TP Hà Nội đã thành lập các bưu điện trung tâm trên cơ sở sáp nhập bưu điện quận, huyện, giảm từ 29 đơn vị xuống còn 12. Đến năm 2013, đơn vị lại tiếp tục thực hiện bỏ chức danh Trưởng bưu điện huyện để thành lập bưu cục. Về mạng lưới, Bưu điện TP Hà Nội giữ nguyên số lượng bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã, chỉ tổ chức lại đường thư nội tỉnh cho phù hợp với địa bàn mới. Đầu tư thêm lượng xe bưu chính phục vụ nhu cầu vận chuyển của các đơn vị thuộc địa bàn Hà Tây cũ. Quy hoạch lại mạng tin học theo quy chuẩn, thực hiện nối mạng và ứng dụng phần mềm quản lý dịch vụ tới 100% bưu cục tại địa bàn Hà Tây cũ...
Với phương châm coi chất lượng dịch vụ là cơ sở để phát triển kinh doanh, bảo đảm sự phát triển trong môi trường cạnh tranh, Bưu điện TP Hà Nội xác định tập trung nguồn lực để phát triển 3 nhóm dịch vụ chủ yếu là bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính và dịch vụ đại lý viễn thông - công nghệ thông tin, trong đó nhóm dịch vụ bưu chính chuyển phát là cốt lõi, bảo đảm sự phát triển bền vững. Kết quả trong 5 năm qua, đơn vị luôn phát triển với doanh thu bình quân tăng 15%/năm, tỷ trọng doanh thu bưu chính chuyển phát từ 40% năm 2008 tăng lên 60% năm 2011, mức tăng bình quân hằng năm 20-25%. Dịch vụ tài chính bưu chính tăng trưởng bình quân 23%/năm; năng suất lao động tăng bình quân 10%/năm. Đời sống của CBCNV ổn định. Nhận thức của CBCNV có chuyển biến tích cực, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh đã chủ động tiếp thị, bán hàng tại địa chỉ khách hàng. Với những nỗ lực trên, Bưu điện TP Hà Nội đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua của Chính phủ năm 2008, 2009; Cờ thi đua của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2010, 2011…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.