Toà án nhân dân huyện Côn Đảo vừa tuyên đối tượng Xuân lĩnh án phạt 50 triệu đồng, còn đối tượng Đức và Tài bị tuyên cải tạo không giam giữ lần lượt 9 và 12 tháng vì hành vi mua bán, vận chuyển 30 quả trứng vích.
Theo thông tin từ Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), ngày 27-9-2017, Toà án nhân dân huyện Côn Đảo đã đưa ra xét xử đối tượng Lâm Trường Xuân (thường trú tại TP Hồ Chí Minh), Đặng Hoàng Đức (nguyên quán Bến Tre, đang làm việc tại một nhà hàng ở huyện Côn Đảo) và Thái Thanh Tài (nguyên quán Sóc Trăng) về tội vi phạm các quy định bảo vệ loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Các đối tượng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự sau khi bị phát hiện có hành vi mua bán, vận chuyển 30 quả trứng vích.
Trứng rùa biển tịch thu từ đối tượng Tân. |
Kết thúc phiên toà sơ thẩm, Xuân lĩnh án phạt 50 triệu đồng, trong khi đó, Đức và Tài bị tuyên án cải tạo không giam giữ lần lượt là 9 và 12 tháng.
Trước đó, ngày 18-9-2017, Toà án nhân dân huyện Côn Đảo cũng đã tổ chức phiên toà xét xử sơ thẩm đối tượng Phạm Văn Tân với hành vi vận chuyển 116 trứng rùa biển. Tại phiên toà sơ thẩm, Toà án nhân dân huyện Côn Đảo sau khi xem xét các tình tiết vụ án đã trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ vai trò, trách nhiệm của một số đối tượng khác liên quan cũng như xác định tội danh với bị cáo.
Đây là vụ án từng rất "nóng" trên công luận về tranh luận liệu trứng rùa biển có phải là sản phẩm của rùa biển. Tuy nhiên, vấn đề này sau đó đã được làm rõ với kết luận việc buôn bán, vận chuyển trái phép trứng rùa biển và các sản phẩm khác từ rùa biển là hành vi phạm pháp, là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng Phạm Văn Tân.
Theo ENV, từ năm 2014, các loài rùa biển, trong đó có vích đã được đưa vào danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của chính phủ. Theo đó, các hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán sản phẩm (trứng), bộ phận rùa biển (thịt) phải bị xử lý hình sự bất kể về số lượng, khối lượng, giá trị tang vật.
Mặc dù vậy, từ đó đến nay các vi phạm liên quan đến rùa biển cũng thường chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc tịch thu tang vật. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như đưa ra xét xử các đối tượng buôn bán, vận chuyển trứng rùa biển diễn ra lần đầu tiên tại Côn Đảo vừa qua là điểm sáng tích cực, thể hiện sự quan tâm của chính quyền tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, huyện Côn Đảo cũng như những nỗ lực đáng kể của các cơ quan điều tra, tư pháp huyện Côn Đảo trong công tác bảo vệ các loài rùa biển khỏi nguy cơ tuyệt chủng, đại diện của ENV chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.