Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước tiến dài nhưng chưa tới đích

Thành Tâm| 10/11/2010 07:14

(HNM) - Ngày 9-11, Quốc hội (QH) nghe Báo cáo của UBTVQH giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2001-2010 và thảo luận ở hội trường về những nội dung liên quan...


Có bước tiến dài, nhưng...


Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người dân tại bộ phận “một cửa” quận Ba Đình.   Ảnh:  Linh Tâm


Nhìn từ góc độ mong muốn của người dân, doanh nghiệp cũng như yêu cầu mà Chính phủ đề ra, các ĐBQH cho rằng, kết quả trong CCHC chưa đạt. ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cho rằng, tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng còn khá phổ biến; tình trạng để doanh nghiệp, công dân phải đi lại nhiều lần chưa được khắc phục. Đây là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách TTHC chưa cao. Bên cạnh đó, việc thực hiện cải cách TTHC tại các địa phương, đơn vị chưa tạo được bước đột phá mạnh mẽ. Có loại TTHC hợp pháp nhưng không hợp lý, chưa phù hợp với thực tế, kể cả những "giấy phép con" do các cơ quan quản lý tự quy định. Đáng chú ý là còn tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có những quy định không phù hợp cả về thẩm quyền, hình thức và nội dung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cần giám sát thường xuyên

Trong cách đánh giá những hạn chế của CCHC, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, việc đánh giá còn chung chung, kiểu "có lúc có nơi" là biểu hiện né tránh. Các ĐB nhấn mạnh, muốn chỉ ra được các giải pháp thúc đẩy CCHC, cần chỉ rõ những yếu kém, nguyên nhân để khắc phục một cách cơ bản, lâu dài.

Theo các ĐB Trần Thị Lộc (Bắc Cạn), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), một trong những nguyên nhân khiến cho CCHC chưa đạt hiệu quả như mong muốn là do yếu tố con người. Nguyên nhân này cần được đánh giá cụ thể, bởi chính con người là đối tượng tham gia trực tiếp vào quan hệ hành chính. Cán bộ hành chính không đủ năng lực thì không đáp ứng được yêu cầu CCHC. Để khắc phục tồn tại này, theo các ĐB Trần Thị Lộc, Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Ly Kiều Vân (Quảng Trị), Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long)..., trước hết cần cải cách mạnh mẽ chế độ tiền lương và các khoản đãi ngộ khác. ĐB Trần Thị Lộc còn đề nghị sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng để có tiêu chí đánh giá và khen thưởng phù hợp, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các công chức hành chính.

Một vấn đề đã nảy sinh trong thực tế và được các ĐB quan tâm, lý giải dưới nhiều góc độ là do TTHC còn nhiều điểm phức tạp, khó hiểu, dẫn đến hình thành đội ngũ trung gian giải quyết, người dân gọi là "cò", nhiều khi gây cảnh "tiền mất tật mang". Tiếp cận vấn đề này, các ĐB có những ý kiến tương đối khác nhau. ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) đề xuất Chính phủ nên có cơ chế để các tổ chức, doanh nghiệp đóng vai trò trung gian tư vấn, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, giải quyết TTHC. ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) e ngại và đề nghị rà soát xem hình thức trung gian như "cò" có hợp pháp hay không để ngăn chặn hoặc tổ chức cho đúng pháp luật. Mặt khác, một số ĐB cho rằng việc hình thành "cò" là lỗi của cơ quan hành chính, bởi văn bản pháp quy thiếu rõ ràng, minh bạch, thủ tục phức tạp, phiền hà, vì vậy phải ngăn chặn nạn trung gian trong giao dịch hành chính bằng cách tiếp tục cải cách TTHC...

Một yêu cầu được đa số ĐB đề cập, trên quan điểm CCHC phục vụ nhân dân là tăng cường khả năng giám sát các mối quan hệ hành chính. ĐB Bùi Thị Hòa (Đắc Nông) cho rằng, cần minh bạch các quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của đội ngũ cán bộ, công chức để nhân dân giám sát, sau đó phải kiên quyết xử lý cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, cố ý gây phiền hà nhân dân. Để việc giám sát thuận tiện, ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục về xây dựng, đất đai, hải quan..., liên thông hệ thống dữ liệu. Việc làm này có ý nghĩa lớn khi không chỉ giám sát việc cấp phép (có tính chất hành chính) mà còn phục vụ yêu cầu công khai tài sản, chống tham nhũng...

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội): Nhiều TTHC đẩy việc cho người dân
Về nguyên nhân của những hạn chế trong quá trình thực hiện cải cách TTHC, tôi thấy có 3 nguyên nhân chưa được đánh giá thấu đáo và chưa rõ hướng khắc phục.

Một là, chưa có sự phân định rạch ròi giữa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với nghĩa vụ của công dân, doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều TTHC vẫn đẩy những việc mà chính quyền chưa làm được cho người dân. Hai là, các cấp chính quyền chưa xây dựng được hệ thống lưu trữ điện tử về các thông tin liên quan đến công dân và doanh nghiệp như lý lịch tư pháp, hộ khẩu, hộ tịch điện tử, chưa áp dụng các phần mềm quản lý hệ thống dữ liệu này, chưa thực hiện liên thông giữa các cơ quan quản lý để khai thác, sử dụng các thông tin đó. Do vậy, khi giao dịch với các cơ quan quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp luôn phải đưa ra hàng loạt giấy tờ mà các cơ quan quản lý nhà nước đã có, đã quản lý. Ba là, việc chỉ đạo thực hiện cơ chế “một cửa” chưa có sự thống nhất...

Từ những vấn đề trên, tôi đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn nữa chất lượng của các TTHC đã ban hành, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, các cấp chính quyền lắng nghe phản ánh của người dân và doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi các TTHC cho phù hợp. Việc xây dựng các TTHC mới hoặc sửa đổi các TTHC đã ban hành cần quan tâm 4 điểm sau: phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và nghĩa vụ của công dân, doanh nghiệp; thực hiện chương trình hiện đại hóa nền hành chính, tập trung xây dựng bộ dữ liệu điện tử liên quan đến công dân và doanh nghiệp; giản đơn nữa những yêu cầu về giấy tờ, đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm để giảm thiểu các TTHC, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách hành chính; có lộ trình áp dụng việc đăng ký kinh doanh và các giao dịch khác trên mạng để từng bước giảm bớt các phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Tư Đô ghi
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước tiến dài nhưng chưa tới đích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.