Bước tiến dài nhưng chưa tới đích
Chính trị - Ngày đăng : 07:14, 10/11/2010
Có bước tiến dài, nhưng...
Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người dân tại bộ phận “một cửa” quận Ba Đình. Ảnh: Linh Tâm
Nhìn từ góc độ mong muốn của người dân, doanh nghiệp cũng như yêu cầu mà Chính phủ đề ra, các ĐBQH cho rằng, kết quả trong CCHC chưa đạt. ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cho rằng, tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng còn khá phổ biến; tình trạng để doanh nghiệp, công dân phải đi lại nhiều lần chưa được khắc phục. Đây là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách TTHC chưa cao. Bên cạnh đó, việc thực hiện cải cách TTHC tại các địa phương, đơn vị chưa tạo được bước đột phá mạnh mẽ. Có loại TTHC hợp pháp nhưng không hợp lý, chưa phù hợp với thực tế, kể cả những "giấy phép con" do các cơ quan quản lý tự quy định. Đáng chú ý là còn tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có những quy định không phù hợp cả về thẩm quyền, hình thức và nội dung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cần giám sát thường xuyên
Trong cách đánh giá những hạn chế của CCHC, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, việc đánh giá còn chung chung, kiểu "có lúc có nơi" là biểu hiện né tránh. Các ĐB nhấn mạnh, muốn chỉ ra được các giải pháp thúc đẩy CCHC, cần chỉ rõ những yếu kém, nguyên nhân để khắc phục một cách cơ bản, lâu dài.
Theo các ĐB Trần Thị Lộc (Bắc Cạn), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), một trong những nguyên nhân khiến cho CCHC chưa đạt hiệu quả như mong muốn là do yếu tố con người. Nguyên nhân này cần được đánh giá cụ thể, bởi chính con người là đối tượng tham gia trực tiếp vào quan hệ hành chính. Cán bộ hành chính không đủ năng lực thì không đáp ứng được yêu cầu CCHC. Để khắc phục tồn tại này, theo các ĐB Trần Thị Lộc, Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Ly Kiều Vân (Quảng Trị), Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long)..., trước hết cần cải cách mạnh mẽ chế độ tiền lương và các khoản đãi ngộ khác. ĐB Trần Thị Lộc còn đề nghị sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng để có tiêu chí đánh giá và khen thưởng phù hợp, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các công chức hành chính.
Một vấn đề đã nảy sinh trong thực tế và được các ĐB quan tâm, lý giải dưới nhiều góc độ là do TTHC còn nhiều điểm phức tạp, khó hiểu, dẫn đến hình thành đội ngũ trung gian giải quyết, người dân gọi là "cò", nhiều khi gây cảnh "tiền mất tật mang". Tiếp cận vấn đề này, các ĐB có những ý kiến tương đối khác nhau. ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) đề xuất Chính phủ nên có cơ chế để các tổ chức, doanh nghiệp đóng vai trò trung gian tư vấn, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, giải quyết TTHC. ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) e ngại và đề nghị rà soát xem hình thức trung gian như "cò" có hợp pháp hay không để ngăn chặn hoặc tổ chức cho đúng pháp luật. Mặt khác, một số ĐB cho rằng việc hình thành "cò" là lỗi của cơ quan hành chính, bởi văn bản pháp quy thiếu rõ ràng, minh bạch, thủ tục phức tạp, phiền hà, vì vậy phải ngăn chặn nạn trung gian trong giao dịch hành chính bằng cách tiếp tục cải cách TTHC...
Một yêu cầu được đa số ĐB đề cập, trên quan điểm CCHC phục vụ nhân dân là tăng cường khả năng giám sát các mối quan hệ hành chính. ĐB Bùi Thị Hòa (Đắc Nông) cho rằng, cần minh bạch các quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của đội ngũ cán bộ, công chức để nhân dân giám sát, sau đó phải kiên quyết xử lý cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, cố ý gây phiền hà nhân dân. Để việc giám sát thuận tiện, ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục về xây dựng, đất đai, hải quan..., liên thông hệ thống dữ liệu. Việc làm này có ý nghĩa lớn khi không chỉ giám sát việc cấp phép (có tính chất hành chính) mà còn phục vụ yêu cầu công khai tài sản, chống tham nhũng...
Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội): Nhiều TTHC đẩy việc cho người dân |