Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước ngoặt nguy hiểm

Thùy Dương| 07/07/2017 05:53

(HNM) - Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Đức, Triều Tiên đã trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế sau vụ thử tên lửa được cho là thành công.

Vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên làm leo thang căng thẳng trong khu vực.


Theo Hãng Thông tấn Triều Tiên (KCNA), vụ phóng tên lửa sáng ngày 4-7 đánh dấu lần đầu tiên Bình Nhưỡng thử thành công loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14. Trước khi rơi xuống biển Nhật Bản, tên lửa Hwasong-14 đã di chuyển trong khoảng 40 phút, đạt độ cao 2.800km và bay xa 930km. Cơ quan tình báo Mỹ đã tính toán, phân tích các dữ liệu của vụ thử tên lửa này, và giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng đã có bước tiến dài mang tính "cột mốc" trong chương trình tên lửa đạn đạo.

Đây là vụ phóng tên lửa thứ 11 của Triều Tiên trong năm nay. Trước đây, cả Mỹ và Hàn Quốc đều cho rằng Triều Tiên còn xa mới có thể phát triển được tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, vấn đề này giờ đây hoàn toàn nằm trong tầm với của Bình Nhưỡng. Tên lửa Hwasong-14 phóng đi lần này có thể chưa vươn tới lục địa Mỹ và chưa có bằng chứng về việc Triều Tiên đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa. Nhưng có thể coi đây là “một bước ngoặt” giúp Triều Tiên hướng đến việc phát triển một loại tên lửa mang vũ khí hạt nhân có thể chạm đến bất kỳ khu vực nào trên đất Mỹ.

Lâu nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng nhiều lần đe dọa tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ. Quan ngại hơn, vụ phóng thử cho thấy nguy cơ leo thang căng thẳng giữa Bình Nhưỡng với các quốc gia láng giềng. Sự kiện diễn ra đúng dịp Quốc khánh Mỹ và trước thềm cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Donald Trump ở Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức. Tổng thống D.Trump từng tuyên bố Mỹ giữ nguyên mọi lựa chọn hành động đối với Bình Nhưỡng, kể cả hành động quân sự, đồng thời cho rằng Trung Quốc sẽ có động thái mạnh mẽ đối với Triều Tiên.

Thực tế, nếu không có sự tham gia mạnh mẽ của Trung Quốc, những áp lực cần thiết đủ uy lực gây tác động tới nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ khó khả thi. Trong khi đó, lối tiếp cận vấn đề theo hướng đàm phán, điều mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn chủ trương thúc đẩy, lại không phải là bước đi mà nhà lãnh đạo Mỹ thực sự mong muốn. Ngược lại, một đường lối tiếp cận theo kiểu đơn phương hành động của Mỹ cũng sẽ khiến Trung Quốc không “vừa lòng”. Bởi lẽ, nếu tiến hành theo cách đó, Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt với một loạt ngân hàng và công ty Trung Quốc thuộc “danh sách đen” vì có làm ăn với Triều Tiên.

Tuần qua, Mỹ đã bắt đầu cụ thể hóa một cách “khiêm tốn” phương thức nói trên bằng việc xếp 4 thực thể và cá nhân Trung Quốc vào “danh sách đen”. Về phần mình, Trung Quốc đã kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế sau vụ phóng ICBM của Triều Tiên. Bắc Kinh cũng đề xuất, để có thể tạm ngưng chương trình quân sự của Bình Nhưỡng, phía Washington và Seoul nên dừng tập trận chung. Tuy nhiên, đề nghị này không nhận được sự ủng hộ của các bên. Mỹ vẫn bảo lưu quan điểm Washington chỉ đối thoại khi Bình Nhưỡng ngừng thử hạt nhân và tên lửa. Nhật Bản và Hàn Quốc đã cảnh báo rằng một cuộc tấn công của Mỹ có thể gây thảm họa ở khu vực Đông Bắc Á bởi nguy cơ trả đũa từ Bình Nhưỡng.

Có thể thấy, vụ phóng thử thành công ICBM dường như làm đảo lộn những toan tính chiến lược giữa Washington và Bình Nhưỡng cũng như trên toàn Đông Bắc Á. Trong khi phương Tây chưa có giải pháp rõ ràng để kiểm soát chương trình hạt nhân của Triều Tiên thì vụ phóng thử Hwasong-14 là mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ, cũng như khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước ngoặt nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.