Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước ngoặt của Iraq

Kim Phượng| 06/01/2020 21:02

(HNMO) - Quốc hội Iraq vừa tổ chức phiên họp bất thường để thông qua một nghị quyết yêu cầu chính phủ nước này chấm dứt sự hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài trên lãnh thổ, bảo đảm không có lực lượng nước ngoài nào được phép sử dụng đất, không phận, hải phận của Iraq với bất kỳ lý do gì.

Các nhà phân tích nhận định, việc Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết trên là một bước ngoặt quan trọng đối với quốc gia Trung Đông. 

Quốc hội Iraq đề nghị Mỹ rút quân khỏi nước này.

Nghị quyết chỉ rõ, Chính phủ Iraq sẽ thu hồi đề nghị hỗ trợ đối với liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu trong nỗ lực chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), chấm dứt mọi hoạt động quân sự của liên quân trên lãnh thổ quốc gia này do cuộc chiến chống khủng bố đã kết thúc và chiến thắng.

Nghị quyết cũng đồng thời đề nghị chính phủ ban hành lệnh cấm các lực lượng nước ngoài sử dụng không phận Iraq và gửi một công hàm khiếu nại chính thức về vụ không kích của Mỹ lên Liên hợp quốc. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 5.200 binh sĩ Mỹ được yêu cầu rút khỏi xứ "nghìn lẻ một đêm". Tuy nhiên, văn bản chưa được Chính phủ Iraq xem xét và ký duyệt. 

Quyết định được đưa ra sau khi quân đội Mỹ tiến hành vụ không kích nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad và sát hại Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đơn vị đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào ngày 3-1-2020. Vụ việc đã lập tức thổi bùng ngọn lửa căng thẳng giữa Iran và Mỹ nói riêng và tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm cho khu vực Trung Đông nói chung. Tuy nhiên, động thái nhanh chóng của Quốc hội Iraq không gây bất ngờ bởi cuộc oanh kích của Mỹ không chỉ bị xem là sự coi thường luật pháp quốc tế mà còn vi phạm thỏa thuận giữa Baghdad và Washington.

Trên thực tế, Chính phủ Iraq ngày càng chịu áp lực nặng nề liên quan đến việc trục xuất hơn 5.200 lính Mỹ đang đóng tại nước này với mục đích "ngăn chặn sự hồi sinh của IS". Ngoài những binh sĩ được bố trí sau khi rút ra khỏi Syria, Mỹ duy trì một lực lượng đồn trú thường xuyên ở Iraq.

Năm 2011, Washington đã tuyên bố rút quân khỏi quốc gia vùng Vịnh nhưng lại tái triển khai lực lượng vào năm 2014 với mục đích ngăn chặn sự phát triển của IS. Kể từ năm 2017, khi chính quyền Iraq tuyên bố đánh bại IS, đã xuất hiện ngày càng nhiều lời kêu gọi Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi nước này.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như muốn duy trì lâu dài lực lượng tại đây vì lợi ích của xứ "cờ hoa" tại khu vực. Hồi tháng 2-2019, ông chủ Nhà Trắng đã “làm mất lòng” các chính trị gia Iraq và các phe phái được Iran hậu thuẫn khi cho biết hơn 5.000 lính Mỹ sẽ ở lại Iraq để “theo dõi” từng động thái của Iran. Mặc dù lúc đó, ông D.Trump tuyên bố sẽ không dùng Iraq làm bàn đạp để tấn công Iran, song mối thù hằn ngày càng lớn giữa Mỹ và Iran khiến Washington phải có sự chuẩn bị cho những rủi ro có thể xảy ra.

Trong bối cảnh này, ngày 5-1 vừa qua, Tổng thống D.Trump tuyên bố, quân đội Mỹ sẽ không rời Iraq nếu Baghdad không chi trả kinh phí cho căn cứ quân sự Balad mà các lực lượng Mỹ đồn trú lâu nay tại nước này. Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời đe dọa sẽ áp dụng "đòn trừng phạt lớn mà Iraq chưa từng thấy", thậm chí cứng rắn hơn các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, nếu Baghdad ép buộc các lực lượng Mỹ phải rút quân mà không chi trả kinh phí cho căn cứ Balad. 

Tổng thống Iraq Barham Salih từng khẳng định sẽ không cho phép Mỹ dùng lãnh thổ để tấn công Iran, đồng thời nhấn mạnh, Baghdad không mong muốn một cuộc chiến thảm khốc tiếp theo xảy ra trong khu vực. Do đó, nếu Mỹ rút quân thì động thái này sẽ khép lại một chương sử phức tạp bắt đầu bằng cuộc chiến của Mỹ ở Iraq vào năm 2003 lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không dễ dàng đạt được mục tiêu này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước ngoặt của Iraq

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.