Ngày 2-4, theo Hindustan Times, Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Espen Barth Eide cho biết, quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này sẽ không rút khỏi Công ước Quốc tế về cấm mìn sát thương (Công ước Ottawa) như tất cả các nước châu Âu khác có chung biên giới với Nga.
Trước đó, ngày 1-4, Phần Lan cho biết, nước này có kế hoạch rút khỏi Công ước Ottawa năm 1997 như một cách để giảm thiểu mối đe dọa quân sự từ nước láng giềng Nga, sau khi Ba Lan và các nước vùng Baltic đã công bố động thái tương tự vào tháng trước. Động thái này khiến Na Uy trở thành quốc gia châu Âu duy nhất có chung đường biên giới với Nga không có kế hoạch dự trữ lại mìn chống bộ binh, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Espen Barth Eide khẳng định điều đó sẽ không thay đổi.
Ông cho biết, điều quan trọng là phải duy trì sự kỳ thị trên toàn cầu đối với loại vũ khí có thể gây thương vong trong thời gian dài sau khi chiến tranh kết thúc, đồng thời, bảo đảm loại trừ một số loại vũ khí nhất định, gồm vũ khí hóa học và vi khuẩn trong các cuộc xung đột.
"Nếu chúng ta bắt đầu làm suy yếu cam kết của mình, các phe phái hiếu chiến trên khắp thế giới sẽ dễ dàng sử dụng lại những loại vũ khí này hơn", ông Barth Eide cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Nhà ngoại giao Na Uy cũng cho rằng, Oslo không lo ngại khả năng phòng thủ của mình sẽ bị suy yếu do không thay đổi chính sách về mìn sát thương. Quốc gia Bắc Âu này có chung đường biên giới dài 200km với Nga ở vùng Bắc Cực.
"Chúng tôi có hệ thống phòng thủ tiên tiến rất hiện đại có thể tấn công từ trên bộ, trên không và trên biển", ông Barth Eide cho biết.
Công ước Quốc tế về cấm mìn sát thương được thông qua tháng 9-1997, tại Ottawa (Canada) nhằm cấm sử dụng, tàng trữ, sản xuất và chuyển giao mìn sát thương trên toàn thế giới. Công ước đã được hơn 160 quốc gia phê chuẩn hoặc tham gia.
Theo Hindustan Times
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.