(HNM) - Tuần qua, Nhật Bản đã chính thức khẳng định nước này sẽ xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti, một quốc gia Châu Phi, án ngữ cửa Biển Đỏ thông ra Vịnh Aden. Căn cứ quân sự trị giá 40 triệu USD này dự kiến hoàn tất vào đầu năm 2011, với hy vọng tăng sức mạnh cho các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn cướp biển Somalia.
Đại úy hải quân và điều phối viên dự án này Keizo Kitagawa cho biết, đây là căn cứ quân sự duy nhất của Nhật Bản ở nước ngoài và đặt ở châu Phi. "Chúng tôi triển khai kế hoạch này nhằm chống cướp biển và để tự vệ. Nhật Bản là một nước gần biển. Tệ nạn cướp biển gia tăng ở vùng Vịnh Aden, với lượng tàu 20.000 chiếc qua lại là rất đáng lo ngại" - Kitagawa nhấn mạnh.
Hiện có đến 10% tàu thuyền qua lại Vịnh Aden là của Nhật Bản và 90% hàng xuất khẩu Nhật Bản phụ thuộc vào con đường huyết mạch này. Vì thế, căn cứ quân sự của Nhật Bản ở Djibouti được xem là bước đột phá trong chiến lược quân sự của nước này.
Với Nhật Bản, việc thành lập căn cứ ở nước ngoài là sự kiện chưa từng có. Theo Hiến pháp mà đất nước Mặt trời mọc đã thông qua sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Nhật Bản không có quyền sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề quốc tế. Trong điều kiện như vậy, năm 2009, Quốc hội Nhật Bản đã phải thông qua nghị quyết đặc biệt, cho phép hai chiến hạm tham gia chiến dịch quốc tế gần bờ biển Somalia. Hơn một năm trôi qua, nhưng tình hình ở vùng biển này vẫn không được cải thiện. Vì thế, Tokyo đã phải thông qua quyết định bất thường - thiết lập căn cứ hải quân ở nước ngoài.
Cùng với sự lớn mạnh về kinh tế và chính trị, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang nỗ lực khẳng định vị thế trên những lĩnh vực khác, trong đó có quân sự. Việc tăng cường quân sự cũng là cách để Nhật Bản từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ, nhất là khi các căn cứ quân sự của Mỹ tại Okinawa đang bị người dân địa phương phản đối. Để làm được điều đó, Nhật Bản buộc phải thay đổi luật pháp, trong đó cho phép nước này phòng thủ tập thể, đưa quân ra nước ngoài trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình, giải quyết các xung đột khu vực. Dựa trên thay đổi đó, Cục Phòng vệ được nâng cấp thành Bộ Quốc phòng vào đầu năm 2007 và tiếp theo là những sứ mệnh quốc tế khác, đặc biệt là chống cướp biển tại Vịnh Aden. Song, dù lý do gì đi nữa, sự hiện diện của căn cứ quân sự Nhật Bản tại Djibouti cũng là một động thái cho thấy, "người khổng lồ kinh tế" của thế giới đang từng bước khẳng định vị thế quân sự của quân đội từng một thời làm chao đảo toàn cầu.
Thực tế cho thấy, căn cứ Djibouti còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều với sự phát triển của quân đội Nhật Bản nói riêng và vị thế của xứ sở Mặt trời mọc nói chung trên trường quốc tế. Vì thế, sau khi khảo sát các nước như Yemen, Oman, Kenya và Djibouti, Nhật Bản quyết định chọn Djibouti để xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên của mình. Điều quan trọng hơn, Djibouti cũng là sự lựa chọn của Pháp và Mỹ khi cả hai đã đặt căn cứ quân sự tại quốc gia này.
Theo dự tính, căn cứ quân sự trên diện tích 12ha của Nhật Bản sẽ hoàn tất vào đầu năm 2011, là nơi đồn trú của quân đội Nhật phục vụ sứ mệnh chống cướp biển tại Vịnh Aden. Tuy nhiên, Nhật Bản đã triển khai nhiều máy bay tuần tra dọc theo bờ biển Somalia cũng như vùng eo biển, trong khi 150 quân của họ phải đóng nhờ tại căn cứ của Mỹ. Cùng với Mỹ và các đồng minh trong NATO, lực lượng quân đội Nhật Bản tại Djibouti hy vọng sẽ giáng đòn chí mạng vào hải tặc Somalia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.