Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước đột phá mới của Thủ đô

Ðoan Trang| 16/12/2020 10:15

(HNNN) - Việc xây dựng các đô thị vệ tinh với mục tiêu giảm tải cho đô thị trung tâm, đồng thời tạo các cực tăng trưởng mới cho Thủ đô là một giải pháp được nêu trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội Ngày nay giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam: 
Mô hình đô thị vệ tinh là bước đột phá mới của Thủ đô

Tháng 7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được coi như một bước đột phá mới của phát triển Thủ đô Hà Nội. Hà Nội đã có 7 lần làm quy hoạch chung và mỗi thời kỳ phát triển mới lại có một quy hoạch mang tính đột phá. Lần quy hoạch này có những nét mới mà nổi trội là mô hình chùm đô thị với 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái.

Mô hình đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh cùng các thị trấn sinh thái mang lại cho Hà Nội rất nhiều lợi ích: Thứ nhất, Thủ đô sẽ có điều kiện thuận lợi để kết nối với các vùng lân cận. Thứ hai, hiện nay, Hà Nội đang phát triển đơn cực, tức là chỉ có một khu vực trung tâm bao gồm trong đó các hoạt động kinh tế, hành chính, công nghiệp dịch vụ, văn hóa... Nếu có chùm đô thị vệ tinh, Hà Nội sẽ chuyển từ phát triển đơn cực sang phát triển đa cực. Mỗi đô thị vệ tinh có một chức năng riêng và tạo nên thế mạnh riêng cho Hà Nội. Thứ ba, chùm đô thị sẽ tạo cho Hà Nội một mô hình tiên tiến, hiện đại, một đô thị xanh khi giữa đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh là những hành lang xanh và vành đai xanh. Thứ tư, mô hình này giúp cho Hà Nội quản lý được dân số, phân bố dân số một cách hợp lý hơn, đồng thời tạo thêm tiềm năng đất đai cho Hà Nội phát triển...

Khi hình thành, các đô thị vệ tinh có thể chứa được 1,4 triệu dân - khoảng 15% dân số Hà Nội tính đến năm 2030, với tiêu chuẩn đất đai cao hơn đô thị trung tâm rất nhiều. Đặc biệt, 5 đô thị vệ tinh có thể giải quyết được 35.000ha đất xây dựng đô thị.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế, việc hình thành chùm đô thị còn gặp nhiều thách thức trong việc hoàn tất quy hoạch phân khu để thành lập các dự án và kế hoạch đầu tư; phải có cơ chế chính sách thích hợp để biến lợi thế sẵn có của đô thị vệ tinh thành động lực phát triển, như các chính sách về liên kết vùng, giao thông, môi trường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là vấn đề kết cấu hạ tầng nối quan hệ giữa vùng với đô thị trung tâm... Chính vì thế, để đẩy nhanh quá trình hình thành đô thị vệ tinh, thành phố cần có giải pháp cụ thể.

Đầu tiên, chúng ta phải hoàn thiện đồng bộ các quy hoạch. Tiếp đó là xây dựng một cơ chế chính sách đặc thù về giải phóng mặt bằng bởi 5 đô thị vệ tinh chiếm hơn 30% quỹ đất xây dựng đô thị hiện có. Với tiềm năng lớn như thế, phải có chính sách giải phóng mặt bằng đặc thù như từ đất nông nghiệp chuyển sang đất xây dựng đô thị như nào, đền bù và tái định cư ra sao... Tiếp đó, chúng ta phải có cơ chế chính sách để lựa chọn chủ đầu tư.

Cuối cùng là hoàn thiện kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa 5 đô thị vệ tinh này với khu đô thị trung tâm. Muốn vậy, thành phố Hà Nội phải có sự chuẩn bị tốt. Trước hết là chuẩn bị một cơ chế hỗ trợ về tài chính, về giá đất và về đào tạo nghề; phải chú trọng đồng thời việc phát triển đô thị vệ tinh và chăm lo cuộc sống của con người thông qua giải quyết vấn đề về nhà ở, hạ tầng xã hội, môi trường... Có như vậy thì mới tạo sức hút cho nhà đầu tư và người dân, người lao động đến sinh sống và làm việc tại khu đô thị vệ tinh.

Ông Lưu Quang Huy - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội:
Ðẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc

Trong 5 đô thị vệ tinh được quy hoạch thì Hòa Lạc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung vào ngày 28-5-2020. Đây là đô thị vệ tinh lớn nhất và được xác định phát triển theo hướng đô thị mới hiện đại, đồng bộ về hạ tầng, có vai trò giảm tải về chức năng và áp lực về dân số cho đô thị trung tâm, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực ngoại thành.

Để cụ thể hóa Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, UBND thành phố Hà Nội sẽ triển khai 6 quy hoạch phân khu vùng nội thị, xây dựng quy chế quản lý kiến trúc, đẩy nhanh việc thu hút đầu tư... Trong đó, 2 quy hoạch phân khu quan trọng là phần lõi của đô thị Hòa Lạc gồm Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt. Hiện nay, việc đầu tư xây dựng tại hai phân khu này đã và đang thực hiện có hiệu quả, nhất là tại Khu CNC Hòa Lạc, hạ tầng khung toàn khu đã hoàn thiện, có quỹ đất sạch, Hà Nội đã kêu gọi các nhà đầu tư vào triển khai dự án.

Bên cạnh 2 quy hoạch phân khu lõi trên, tại đô thị Hòa Lạc, phần lớn quỹ đất nhằm phát triển đô thị sinh thái, hình thành chuỗi đô thị, nhà ở theo 4 quy hoạch phân khu gồm HL3, HL4, HL5, HL6. Nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển theo quy hoạch chung, làm cơ sở phục vụ công tác quản lý xây dựng đô thị, triển khai thực hiện các chủ trương đầu tư xây dựng, lập quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư xây dựng..., việc đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc là rất cần thiết.

Hiện các quy hoạch phân khu này đang được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức xin ý kiến góp ý. Sau khi nhiệm vụ quy hoạch được lập, Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố thẩm định và được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội trình UBND Thành phố phê duyệt, lúc đó mới đủ cơ sở để lập đồ án quy hoạch các phân khu.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn:
Sóc Sơn sẽ phát triển xứng tầm là cửa ngõ phía Bắc Thủ đô

Là đô thị cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, Sóc Sơn hiện có nhiều lợi thế về giao thông như là nơi kết nối với đô thị trung tâm qua tuyến quốc lộ 3, Thăng Long - Nội Bài và Nhật Tân - Nội Bài, có Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh, vùng cảnh quan núi Sóc và chân núi Tam Đảo và đến năm 2030, dân số khoảng 0,25 triệu người, đất xây dựng đô thị 5.500ha, đất dân dụng khoảng 1.900ha... Chính vì thế, năm 2011, trong Quyết định 1259/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Sóc Sơn đã được xác định là đô thị vệ tinh.

Cụ thể, đô thị vệ tinh Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành mới khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch, trung tâm y tế, khu đại học tập trung... Bên cạnh đó, đô thị vệ tinh Sóc Sơn cũng sẽ được xây dựng là đô thị sinh thái thông qua phát triển các không gian xanh trên cơ sở bảo tồn vùng núi Sóc Sơn và hệ thống các sông Cà Lồ, sông Công, sông Cầu, hồ Đồng Quan... Trong tương lai, Sóc Sơn sẽ xây dựng, hoàn thiện Khu di tích đền Sóc gắn với khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, các công viên giải trí, khu thể thao, vui chơi giải trí...

Đặc biệt, trong Quy hoạch hình thành đô thị vệ tinh Sóc Sơn có nội dung về Khu đại học với quy mô khoảng 600ha và Tổ hợp y tế chất lượng cao khoảng 100ha. Đô thị vệ tinh Sóc Sơn sẽ đáp ứng yêu cầu giãn dân, giảm tải cho khu vực trung tâm thông qua việc di chuyển các trường đại học ra ngoài đô thị trung tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, việc hình thành Tổ hợp y tế chất lượng cao sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương...

Với những lợi thế sẵn có, chúng tôi hy vọng sẽ sớm hoàn thành quy hoạch phân khu để từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển xứng tầm là cửa ngõ phía bắc Thủ đô, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia và của vùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước đột phá mới của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.