(HNM) - Kế hoạch gây nhiều tranh cãi trong quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật về tái bố trí lực lượng quân sự Mỹ trên đất nước Mặt trời mọc cuối cùng đã đi đến hồi kết.
Tạm gác lại những bất đồng thời gian qua, Tuyên bố chung Nhật - Mỹ về bố trí lại quân đội Mỹ tại Nhật Bản vừa được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và hai người đồng cấp Nhật Bản công bố ngày 27-4 khẳng định, gần một nửa trong tổng số 19.000 lính thủy đánh bộ Mỹ hiện đồn trú tại đảo Okinawa (Nhật Bản) sẽ được chuyển tới đảo Guam và một số căn cứ khác trên các đảo thuộc Thái Bình Dương. Cụ thể, khoảng 4.700 đến 5.000 trong tổng số 9.000 binh sỹ Mỹ tại Nhật sẽ chuyển tới khu vực còn ít dân cư trên đảo Guam, trong khi số còn lại được điều tới đảo Hawaii hoặc bố trí vào các lực lượng luân chuyển tại các căn cứ thuộc Australia và các đảo lân cận...
Mỹ-Nhật vừa đạt được thỏa thuận di chuyển khoảng 9.000 lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú tại đảo Okinawa.
Khẳng định cuộc điều chỉnh an ninh Nhật - Mỹ vừa diễn ra là cần thiết nhằm thể hiện vị thế của lực lượng quân đội Mỹ tại khu vực địa - chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương, bước đi mới nhất về hợp tác an ninh Mỹ - Nhật được giới chức hai nước nhìn nhận như một bảo đảm an ninh với Nhật Bản nói riêng và khu vực nói chung trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực đang có chiều hướng ngày càng gặp nhiều thách thức như hiện nay. Theo Tuyên bố chung, Mỹ cam kết trả lại cho Nhật Bản 5 khu vực, cơ sở quân sự tại phía nam đảo Okinawa theo kế hoạch 3 bước nhằm giảm tải gánh nặng quân sự cho hòn đảo này. Hai bên còn nhất trí thực hiện huấn luyện chung tại Bắc Mariana để duy trì sức mạnh răn đe với các nguy cơ bên ngoài trên quan điểm hợp tác phòng vệ chủ động. Điểm không kém phần quan trọng trong Tuyên bố chung là Nhật Bản sẽ chi 3,1 tỷ USD trong tổng số 8,6 tỷ USD chi phí ước tính cho việc tái bố trí lực lượng quân sự. Chi phí này gồm cả khoản xây dựng các trung tâm huấn luyện mới ở quần đảo Bắc Mariana, sử dụng chung cho các lực lượng Mỹ và Nhật Bản.
Từ hơn nửa thế kỷ qua, Okinawa luôn được biết đến là nơi đồn trú của phần lớn trong tổng số khoảng 47.000 binh lính Mỹ trên xứ Phù Tang. Với Mỹ, các căn cứ quân sự trên đảo Okinawa, đặc biệt là căn cứ không quân Futenma, có vai trò quan trọng đặc biệt trong tiếp cận các "mục tiêu" ở khu vực Đông Bắc Á. Thế nhưng, những căn cứ quân sự này ngày càng vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân xứ Mặt trời mọc với lo lắng về ô nhiễm môi trường, tác động xã hội và chi phí... Vì thế, một thỏa thuận giữa Washington và Tokyo đã được ký kết năm 2006. Theo đó, khoảng 8.000 lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ được chuyển từ phía nam đảo Okinawa tới khu vực ít dân cư sinh sống trên đảo Guam vào năm 2014; đồng thời Mỹ sẽ di dời căn cứ không quân Futenma trên đảo Okinawa từ khu vực đông dân cư của thành phố Ginowan về Henoko ở thành phố Nago cũng thuộc Okinawa nhưng ít dân cư hơn. Song, kế hoạch này đã không thành hiện thực khi người dân địa phương phản đối với cáo buộc quân đội Mỹ gây nhiều tiếng ồn, ô nhiễm cũng như làm gia tăng hoạt động tội phạm trên hòn đảo cực Nam của Nhật.
Trong bối cảnh đó, cuộc tái bố trí lực lượng quân đội Mỹ trên đất Nhật vừa đạt được giữa hai nước khiến dư luận Nhật Bản và khu vực đặc biệt quan tâm. Đây không chỉ là cơ hội để Nhật Bản cải thiện quan hệ với Mỹ vốn bị rạn nứt sau khi cựu Thủ tướng Y.Hatoyama lên nắm quyền với trọng tâm ưu tiên xây dựng một chính sách ngoại giao độc lập hơn với Mỹ. Quyết định tái bố trí lực lượng viễn chinh Mỹ trên đất Nhật vừa đạt được càng có ý nghĩa khi nó được đưa ra chưa đầy 48 tiếng trước khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda thực hiện chuyến công du chính thức đầu tiên tới Washington trong 4 ngày.
Không chỉ dừng lại ở hợp tác song phương, tình hình an ninh khu vực và toàn cầu, đẩy mạnh hợp tác kinh tế… thỏa thuận an ninh Mỹ - Nhật vừa đạt được sẽ là một chủ đề quan trọng trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Y.Noda và Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến vào ngày mai (30-4) - cuộc gặp được hai bên kỳ vọng sẽ thể hiện mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật vẫn là một trụ cột an ninh tại Châu Á - Thái Bình Dương và đang đi đúng hướng. Nhưng, điều khiến dư luận xứ Phù Tang quan tâm nhất hiện nay là mặc dù đã có một tuyên bố chung, song thời hạn thực hiện kế hoạch tái bố trí lực lượng quân sự Mỹ trên đất Nhật vẫn còn để ngỏ. Đặc biệt, hai thỏa thuận về đóng cửa căn cứ không quân Futenma vốn gây tranh cãi trên đảo Okinawa vẫn còn là một bí mật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.