Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước điều chỉnh chiến lược

Minh Nhật| 17/09/2010 06:31

(HNM) - Chuyến thăm đầu tiên của một bộ trưởng quốc phòng Nga tới Mỹ trong 5 năm qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Các cuộc hội đàm được nhìn nhận là rất hữu ích và mang tính xây dựng giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và người đồng nhiệm Nga Anatoly Serdyukov ...

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và người đồng nhiệm Nga Anatoly Serdyukov tại lễ ký kết bản ghi nhớ về hợp tác quân sự giữa hai nước.


Ba cuộc thảo luận chính thức và một buổi tối làm việc ở một chiến hạm trên dòng sông Potomac huyền thoại đã đưa tới việc ký bản ghi nhớ thắt chặt quan hệ quân sự Mỹ - Nga hôm 15-9, thay thế cho thỏa thuận năm 1993 đã hết hạn. Việc hai bộ trưởng nhất trí thành lập một nhóm công tác chuyên trách về quốc phòng cũng cho thấy thúc đẩy các hoạt động quân sự giữa hai nước đang là một ưu tiên cho quá trình xây dựng mối quan hệ tin cậy hơn giữa Washington và Mátxcơva. Sáng kiến mới này sẽ giúp giải quyết các vấn đề như cải cách và chuyển đổi lực lượng vũ trang, những ưu tiên về an ninh quốc gia và chính sách quốc phòng, các biện pháp xây dựng lòng tin để tăng cường sự hiểu biết chung, những thách thức và mối đe dọa mới đối với an ninh toàn cầu và hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Bộ trưởng quốc phòng hai nước sẽ cùng chủ trì nhóm công tác và hội đàm mỗi năm một lần nhằm thực hiện mục tiêu chung là nỗ lực cải cách quân đội hai nước trên quy mô lớn và kịp thời ứng phó với những vấn đề nảy sinh.

Quan hệ Mỹ - Nga đã xấu đi sau cuộc chiến tranh chớp nhoáng tại Gruzia năm 2008 và Nga công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai của Gruzia là Abkhazia và Nam Ossetia. Lập trường khác biệt gay gắt giữa hai nước trong việc triển khai lá chắn tên lửa tại Đông Âu từng khiến thế giới lo ngại về một cuộc đối đầu mới giữa hai cường quốc quân sự. Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của Bộ trưởng Anatoly Serdyukov tại Lầu Năm góc mang tính biểu tượng quan trọng và phản ánh sự chuyển biến rõ nét trong mối quan hệ giữa hai đối thủ thời Chiến tranh lạnh. Điều đó càng được khẳng định khi hai bộ trưởng đã cùng nỗ lực và không né tránh trong việc thảo luận nhiều vấn đề nóng như kiểm soát vũ khí, chương trình hạt nhân của Iran, cuộc chiến tại Afghanistan và lá chắn tên lửa. Cho dù chưa có câu trả lời về khả năng Mátxcơva sẽ tham gia hệ thống phòng thủ do Mỹ khởi xướng, nhưng lời mời từ các quan chức Mỹ để Nga gia nhập mạng lưới radar chống tên lửa và tên lửa đánh chặn với sự hợp tác sử dụng địa điểm radar ở Azerbaijan là một bằng chứng cho mối quan hệ song phương đang bước vào thời kỳ nồng ấm hơn.

Những thỏa thuận vừa được ký kết tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ là một phần trong kế hoạch của chính quyền Tổng thống Barack Obama nhằm tái khởi động quan hệ Mỹ - Nga sau nhiều năm căng thẳng. Nó cũng tạo ra động lực mạnh mẽ cho một bước phát triển mới giữa hai nước, đồng thời cũng hiện thực hóa nhận định của Bộ trưởng R.Gates rằng Nga luôn là một đối tác của Mỹ.

Sau nhiều ồn ào của mối quan hệ phức tạp đan xen giữa hợp tác và kiềm chế giữa Mỹ - Nga thời gian qua, bước chuyển trong hợp tác quốc phòng được nhìn nhận sẽ mang lại cho cả hai nước những lợi ích lớn hơn cả trên bình diện song phương và quốc tế. Đối với Mỹ, đó là vấn đề Afghanistan, Iran, Iraq, Triều Tiên và Trung Đông, còn đối với Nga là vai trò và vị trí tại châu Âu, hệ thống an ninh châu Âu và công cuộc cải cách toàn diện nền kinh tế. Vì lợi ích quốc gia, Mỹ, Nga cần có nhau và sự "thân thiết" giữa hai cường quốc cũng sẽ mang lại một sự ổn định cần thiết cho thế giới. "Tôi không nghĩ Nga là mối đe dọa. Chúng tôi là đối tác trên một số lĩnh vực và là đối thủ trên một số lĩnh vực khác. Nhưng đối với các vấn đề quan trọng, chúng tôi đang hợp tác với nhau", lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang mang lại niềm tin về triển vọng tốt đẹp hơn cho quan hệ Mỹ - Nga.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước điều chỉnh chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.