(HNM) - Cùng với thương mại truyền thống, những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam có sự phát triển nhảy vọt với tốc độ tăng trưởng 16-17%/năm. Tuy nhiên, các giao dịch thương mại điện tử luôn ẩn chứa nhiều rủi ro cho cả người mua và người bán. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải triển khai rộng rãi hợp đồng điện tử, thành phần cơ bản trong các giao dịch thương mại điện tử, nhằm bảo đảm an toàn cho các chủ thể giao kết hợp đồng.
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng hợp đồng điện tử giúp các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử cũng như thương mại truyền thống tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao hiệu suất so với hợp đồng giấy. Ngoài ra, hợp đồng điện tử giúp bên thứ ba như ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước… tiết kiệm thời gian xác minh, hạn chế chứng từ giả, chứng từ khống.
Liên quan tới vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25-9-2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 của Chính phủ về thương mại điện tử từ đó tạo hành lang pháp lý cần thiết để cấp phép cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam.
Ngày 15-3-2022, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cũng có Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS về ban hành kế hoạch hoạt động năm 2022, trong đó đề ra mục tiêu thúc đẩy tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%. Bộ Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp có đề nghị cấp đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử và sẵn sàng cung cấp dịch vụ này trong tháng 6-2022.
Rõ ràng, nền kinh tế trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra những đòi hỏi mới bức thiết, trong đó việc triển khai rộng rãi hợp đồng điện tử là một bước đi tất yếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.