(HNM) - Sau quyết định rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á, hãng taxi công nghệ Uber lại đang tích cực đàm phán việc bán hoạt động của mình tại Ấn Độ cho Ola - đối thủ chính của Uber tại thị trường quốc gia Nam Á này.
Tại thị trường Ấn Độ, Ola có trị giá 5 tỷ USD trong khi Uber được định giá khoảng 4 tỷ USD. Cả hai công ty đều nhận được nguồn đầu tư lớn từ gã khổng lồ Nhật Bản Softbank. Một số thông tin mới nhất cho biết, trong tháng qua, giám đốc điều hành cấp cao của Uber và Ola đã gặp nhau nhiều lần để thảo luận việc sáp nhập. Nếu thương vụ được dàn xếp ổn thỏa, đây sẽ là lần rút lui thứ ba của hãng taxi này tại Châu Á.
Hôm 26-3, Uber cũng thông báo đã đạt thỏa thuận chuyển nhượng mảng kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á cho Grab. Theo đó, Uber sẽ bán toàn bộ mảng kinh doanh tại thị trường 640 triệu dân cho đối thủ này. Đổi lại, công ty đặt trụ sở ở Mỹ sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab. Giám đốc điều hành của Uber Dara Khosrowshahi sẽ tham gia Hội đồng quản trị của Grab. Nhiều ý kiến cho rằng, Uber đã thua trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và tốn kém kéo dài nhiều năm với đối thủ Grab. Theo thời báo Wall Street Journal, để duy trì hoạt động, Uber tiêu tốn gần 200 triệu USD mỗi năm.
Từng là một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp ấn tượng nhất thế giới, nhưng công ty kinh doanh lĩnh vực vận tải này cũng gặp không ít tai tiếng và kiện tụng. Trong năm 2017, Uber thua lỗ nặng, tăng 61% so với năm trước, tức vào khoảng 4,5 tỷ USD. Kết quả kinh doanh yếu kém đã buộc Giám đốc điều hành (CEO) Travis Kalanick phải từ chức.
Việc bán lại thị trường Đông Nam Á được cho là ý tưởng của CEO mới, ông Dara Khosrowshahi, nhằm cắt lỗ và làm đẹp bảng số liệu tài chính cho Uber. Vì nếu tiếp tục dồn lực vào một thị trường yếu thế, số tiền mà Uber phải tiêu tốn sẽ gia tăng rất nhiều và các cổ đông lớn lại không thích điều này.
Vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, sự rút lui của Uber thật ra là một bước đi tỉnh táo và khôn ngoan. Trên thực tế, Uber rời khỏi Đông Nam Á nhưng không hề trắng tay. Hãng đã bỏ túi 27,5% cổ phần của Grab - công ty ứng dụng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á được định giá 6 tỷ USD.
Như vậy, sau khi đầu tư 700 triệu USD trong 5 năm, Uber mang về lượng cổ phần dự kiến trị giá 1,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, là một cổ đông, Uber sẽ hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển của Grab mà không cần phải bỏ công sức vận hành hệ thống, chăm sóc khách hàng và đối tác, giải quyết các vấn đề về luật pháp hay quy định thuế.
Chiến lược này từng được áp dụng tại Trung Quốc, nơi Uber đã bán các hoạt động vận tải của mình cho Công ty Didi, đổi lại là nắm giữ 20% cổ phần của doanh nghiệp này. Tại Nga, Uber cũng hành động tương tự với nhánh vận tải của Yandex để đổi lấy 37% cổ phần. Tóm lại, tất cả kế hoạch rút lui nằm trong sự tính toán giúp Uber chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên (IPO) vào năm sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.