Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước đi gây nhiều tranh cãi

Hoàng Linh| 27/12/2020 06:20

(HNM) - Dù nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của Quốc hội, dự luật mang tên Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) - nhằm cấp ngân sách quốc phòng trị giá 740 tỷ USD cho Lầu Năm Góc trong tài khóa 2021 - tiếp tục khoét sâu những mâu thuẫn tồn tại trong nội bộ nước Mỹ. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phủ quyết đạo luật này là một bước đi đang gây ra nhiều tranh cãi.

Dự luật mang tên Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2021 được kỳ vọng sẽ giúp củng cố thế trận của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Việc NDAA tài khóa mới bị phủ quyết diễn ra đúng như dự đoán của giới phân tích hồi đầu tháng 12. Đây cũng là lần đầu tiên ông chủ Nhà Trắng sử dụng quyền phủ quyết của Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ của mình. Người đứng đầu chính quyền Mỹ chỉ trích NDAA tài khóa 2021 có những điều khoản không tôn trọng các cựu binh và lịch sử của quân đội Mỹ, thiếu vắng các biện pháp bảo đảm an ninh quốc gia quan trọng, đồng thời đi ngược với những nỗ lực của chính quyền hiện nay là “đặt nước Mỹ lên trên hết”.

Cụ thể, Tổng thống Mỹ phản đối các điều khoản cản trở quyết định cắt giảm quân số Mỹ ở một số khu vực trên thế giới, trong đó có Đức và Afghanistan; đặt lại tên các căn cứ quân sự vốn đang đặt theo tên của các chỉ huy Liên minh miền Nam và chủ nô trong giai đoạn nội chiến xứ Cờ hoa. Tổng thống D.Trump cho rằng, NDAA tài khóa 2021 không điều chỉnh Mục 230 trong Đạo luật Truyền thông đúng mực nhằm chấm dứt bảo vệ các công ty công nghệ như Google, Twitter và Facebook khỏi trách nhiệm pháp lý đối với những gì xuất hiện trên nền tảng của họ - đây là mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia. NDAA mới cũng giới hạn nguồn ngân sách mà Tổng thống có thể sử dụng cho dự án xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

Việc một NDAA bị Tổng thống phủ quyết là điều chưa từng có, trong bối cảnh dự luật này suốt 59 năm qua luôn nghiễm nhiên được thông qua để trở thành luật, bởi nó có tầm quan trọng đặc biệt khi cho phép cấp lương, thưởng cho các thành viên phục vụ trong quân đội. NDAA hằng năm cũng là “phát súng hiệu” cấp ngân sách cho các dự án xây dựng và chương trình đào tạo quân sự của Mỹ trong tài khóa tiếp theo. Ở lần soạn thảo này, NDAA tiếp tục là "xương sống" của các quyết định liên quan tới an ninh quốc phòng của nước Mỹ, được kỳ vọng sẽ giúp củng cố thế trận của Washington và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời giúp Lầu Năm Góc giảm sự phụ thuộc vào ngành sản xuất của Trung Quốc.

Theo giới quan sát, quyết định phủ quyết của Tổng thống D.Trump có phần khó hiểu, bởi động thái này không chỉ khoét sâu những mâu thuẫn với đảng Dân chủ, mà còn có nguy cơ gây chia rẽ ngay giữa các thành viên đảng Cộng hòa. Nhiều nghị sĩ của cả hai đảng, trong đó có cả Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Jim Inhofe... cho rằng việc phủ quyết là "quyết định liều lĩnh", không những không thay đổi kết quả cuối cùng mà còn gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Mỹ. Thuộc nhóm ủng hộ quyết định của Tổng thống, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham lại cho rằng việc các công ty công nghệ “không thể bị kiện” cần phải chấm dứt.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc NDAA tài khóa 2021 được thông qua chỉ còn là vấn đề thời gian. Quyết định của ông chủ Nhà Trắng có thể bị Quốc hội Mỹ vô hiệu hóa nếu các nghị sĩ bác phủ quyết của Tổng thống với 2/3 số phiếu tán thành (tương đương 288 phiếu). Thực tế, kịch bản này khả thi vì bản thân NDAA tài khóa 2021 đã nhận được sự ủng hộ của hơn 2/3 trong tổng số 430 nghị sĩ lưỡng viện trước khi được chuyển tới Tổng thống D.Trump.

Có thể thấy, tiến trình luật hóa NDAA tiếp tục khoét sâu những chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ nước Mỹ. Để khắc phục tình trạng này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng chắc chắn sẽ là thách thức rất lớn đối với chính quyền kế nhiệm của xứ Cờ hoa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước đi gây nhiều tranh cãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.