Thế giới

Bước đệm hướng tới hòa bình giữa Nga và Ukraine

Thùy Dương 05/08/2023 - 07:42

Hôm nay (5-8), cộng đồng quốc tế đổ dồn sự quan tâm về thành phố ven biển Jeddah của Saudi Arabia, khi các nhà lãnh đạo thế giới tới đây để tham dự hội nghị thảo luận kế hoạch hòa bình Ukraine. Dự kiến diễn ra trong hai ngày (5 và 6-8), đây được coi là bước đệm cho một hội nghị thượng đỉnh có thể diễn ra vào cuối năm nay, nhằm tạo ra một con đường đi đến hòa bình giữa Nga và Ukraine.

nga-uk.jpg
Lực lượng Vệ binh quốc gia Ukraine tham gia huấn luyện quân sự ở vùng Kharkiv.

Hội nghị lần này tiếp nối hội nghị quốc tế đầu tiên thảo luận về kế hoạch hòa bình Ukraine diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) hồi tháng 6 vừa qua. Saudi Arabia đã mời các cố vấn an ninh và chính trị từ gần 40 quốc gia phương Tây, châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh để thảo luận về kế hoạch hòa bình do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất cuối năm ngoái. Nhà lãnh đạo Ukraine đã kêu gọi mở rộng sự ủng hộ toàn cầu đối với kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm và được phương Tây ủng hộ. Giải pháp của ông Zelensky là Nga rút lực lượng khỏi khu vực mà Ukraine tuyên bố chủ quyền, bồi thường thiệt hại và trao trả tù binh, bảo đảm an toàn hạt nhân, an ninh lương thực và năng lượng… Điện Kremlin đã bác bỏ những điều khoản đó, đồng thời nhận xét là phi thực tế - dấu hiệu cho thấy Kiev không sẵn sàng tham gia bất kỳ cuộc đối thoại có ý nghĩa nào.

Những người tổ chức hội nghị cho biết cuộc họp ở Jeddah sẽ không có sự tham gia của Nga. Ukraine đặt mục tiêu trước tiên là xây dựng một liên minh hỗ trợ ngoại giao lớn hơn bằng cách tiếp cận với các quốc gia Nam bán cầu như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, tờ WSJ nhận định, cuộc thảo luận được tổ chức tại thành phố cảng Jeddah là một nỗ lực của phương Tây nhằm “giành sự ủng hộ từ các nước lớn đang phát triển, nhiều nước trong số đó đã trung lập trong cuộc chiến ở Ukraine”.

Andriy Yermak, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng xác nhận cuộc họp là cơ hội để "khôi phục hòa bình lâu dài và công bằng" giữa Ukraine và Nga. Trong bài phát biểu trên Hãng thông tấn TASS, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ, các nhà lãnh đạo Điện Kremlin sẽ quan sát cuộc họp và nhắc lại quan điểm của Nga rằng họ không có bất kỳ "điều kiện tiên quyết" nào đối với giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine, nhưng cho rằng Kiev không muốn hòa bình.

Những người tổ chức hội nghị ở Jeddah hy vọng rằng họ sẽ mở đường cho một hội nghị thượng đỉnh hòa bình quốc tế lớn hơn vào cuối năm nay, nơi các nhà lãnh đạo sẽ ký kết các nguyên tắc chung để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, hội nghị hòa bình ở Saudi Arabia sẽ không mang lại “kết thúc ngoại giao” cho cuộc chiến ở Ukraine. Giáo sư Javed Ali tại Đại học Michigan (Mỹ) và là cựu giám đốc cấp cao về chống khủng bố tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nhận định, việc Nga không tham gia hội nghị là “hạn chế nghiêm trọng”. Theo Giáo sư Javed Ali, cả Nga và Ukraine đều không muốn tham gia một cách nghiêm túc vào các cuộc đàm phán hòa bình ở Saudi Arabia hoặc bất kỳ địa điểm nào khác, cho đến khi mỗi bên tin rằng họ đã đạt được nhiều tiến triển hơn trên chiến trường và củng cố sự ủng hộ chính trị với bất kỳ sáng kiến nào.

Dù Saudi Arabia không bình luận công khai về các cuộc đàm phán ở Jeddah nhưng các nhà phân tích cho biết, việc tổ chức cuộc họp này phản ánh mong muốn của Riyadh đóng vai trò ngoại giao nổi bật trong nỗ lực giải quyết xung đột Nga - Ukraine. Quốc gia Trung Đông này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine, cũng như đón tiếp Tổng thống Ukraine tại một Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) vào tháng 5-2023. Tính đến tháng 2 năm nay, Saudi Arabia đã cam kết viện trợ 400 triệu USD cho Ukraine, trong đó khoảng 2/3 là khoản chi cho các sản phẩm dầu mỏ và 1/3 là các khoản viện trợ nhân đạo khác.

Những nỗ lực này cũng vì lợi ích quốc gia. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã tìm cách thay đổi hình ảnh và địa vị của vương quốc trong mọi lĩnh vực, từ thể thao, du lịch đến ngoại giao. Theo ông Hussein Ibish, một học giả thường trú cấp cao tại Viện Các quốc gia vùng Vịnh Arab ở Washington, sáng kiến ngoại giao sẽ quảng bá hình ảnh của quốc gia này với tư cách là những người chơi toàn cầu, đối tác khu vực và là chủ thể quan trọng ngoài các liên minh thể chế truyền thống.

Các nhà phân tích nhận định, hội nghị thảo luận về hòa bình Ukraine do Saudi Arabia đăng cai tổ chức “không có khả năng hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình có khả năng chấm dứt chiến tranh trong tương lai gần”. Tuy nhiên, sự kiện sẽ thúc đẩy một nền tảng cho sự tham gia mang tính xây dựng hơn giữa phương Tây và các nước đang phát triển ở Nam bán cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước đệm hướng tới hòa bình giữa Nga và Ukraine

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.