(HNM) - Nền thể dục thể thao (TDTT) cách mạng Việt Nam ra đời cách đây gần 70 năm, nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được cuốn Lịch sử TDTT Việt Nam, chưa có Bảo tàng TDTT Việt Nam… Sự thiếu hụt về khoa học lịch sử TDTT ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục truyền thống, xây dựng nền tảng lý luận của ngành TDTT.
Tại Hà Nội vừa diễn ra Đại hội Hội Khoa học lịch sử TDTT lần thứ nhất - năm 2015. Với giới thể thao và người yêu thể thao, sự kiện này rất đáng chú ý. Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới bên lề Đại hội, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục Quốc hội Nguyễn Viết Chức chia sẻ: "Nghiên cứu về lịch sử TDTT nước nhà là việc quan trọng. Sự xuất hiện của Hội Khoa học lịch sử TDTT Việt Nam như một nhánh của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, với sự hỗ trợ của những nhà nghiên cứu lịch sử như GS Phan Huy Lê, nhà sử học Dương Trung Quốc…, chúng ta sẽ có cơ hội được thấy cách nhìn thể thao trong con mắt khoa học, có nghiên cứu sâu sắc, tạo thế đứng trên nền tảng một ngành TDTT có bề dày lịch sử. Nắm rõ truyền thống, lịch sử ấy, các thế hệ tiếp sau sẽ có điều kiện để học hỏi và phát huy tinh hoa của thế hệ cha ông, kế tục tốt hơn. Tôi tin Hội sẽ đóng góp được nhiều cho thể thao nước nhà".
Chung niềm tin tưởng ấy, nguyên TBT Báo Thể thao Việt Nam Trần Can - một trong 10 người chắp bút viết "Sơ thảo lịch sử TDTT Việt Nam" - đề cập thêm giá trị thực tiễn có từ sự ra đời của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ông bày tỏ: "Chúng ta đã đề cập việc viết lịch sử TDTT từ lâu, nhưng chỉ làm được sơ thảo mà chưa có cuốn sử chính thức là bởi gặp khó về sưu tầm, tập hợp tư liệu một cách có hệ thống. Sự ra đời của Hội Khoa học lịch sử TDTT Việt Nam đáp ứng được yêu cầu ấy, góp phần hướng dẫn, hỗ trợ địa phương, liên đoàn, hiệp hội tiếp tục sưu tầm, lưu trữ, bảo tồn tư liệu khoa học lịch sử TDTT. Trên cơ sở nền tảng là những cuốn sử của địa phương, ngành, bộ môn, liên đoàn TDTT, chúng ta có thể xây dựng cuốn Lịch sử TDTT Việt Nam chính thức, bảo đảm yêu cầu khoa học. Quá trình ấy cũng là cơ hội để tập hợp tư liệu cho sự ra đời của một Bảo tàng TDTT cấp quốc gia trong tương lai".
Có thể thấy sự hưởng ứng của những nhà quản lý, các trưởng bộ môn TDTT tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Khoa học lịch sử TDTT Việt Nam. Trưởng Bộ môn Điền kinh - Tổng cục TDTT Dương Đức Thủy nói rằng "những cây đại thụ của ngành" không còn nhiều, cần phải chạy đua với thời gian để khai thác nguồn tư liệu giàu giá trị thực tiễn đó.
Đó là nỗi lo có thực, đặc biệt là khi nhìn lại quá trình xây dựng sơ thảo lịch sử TDTT Việt Nam. Gần 10 năm nghiên cứu, sưu tầm, nhờ sự cố gắng của 10 "cây đại thụ" ngành TDTT, chúng ta mới xuất bản được cuốn Sơ thảo Lịch sử TDTT (gần 900 trang) vào năm 2012. Đến nay, theo nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản TDTT Nguyễn Văn Hiếu thì "ba cây đại thụ đã ra đi", chỉ còn lại bảy thành viên trong Ban biên soạn sơ thảo.
Bởi thế, sự ra đời của Hội Khoa học lịch sử TDTT được coi là bước tạo đà cho công tác nghiên cứu khoa học lịch sử TDTT, giúp công tác sưu tầm, bảo quản, bảo vệ tài liệu lịch sử của ngành TDTT được thực hiện bài bản, khoa học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.