Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước chuyển mạnh mẽ

Thế Đan| 31/12/2022 06:53

(HNM) - Bắt đầu từ ngày mai (1-1-2023), Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21-12-2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công chính thức có hiệu lực.

Điểm nổi bật là Nghị định số 104/2022/NĐ-CP bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, điện lực, nuôi con nuôi… Thay vào đó, khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ:

Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Điều đó cho thấy, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP là bước chuyển mạnh mẽ tiến tới xây dựng chính quyền số, xã hội số, công dân số ở nước ta.

Để thực hiện tốt chủ trương quan trọng này, về phía các cơ quan trung ương cần đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử. Trong đó, song song với việc xây dựng thể chế, cần tập trung hoàn thiện các cơ sở dữ liệu nền tảng quốc gia, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai... Và để bảo đảm hiệu quả sử dụng của các cơ sở dữ liệu quốc gia này cần tạo lập nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương; hệ thống liên thông gửi, nhận văn bản điện tử; hệ thống xác thực định danh điện tử; liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ và chữ ký số công cộng; Cổng thanh toán quốc gia… để bảo đảm dữ liệu, thông tin thông suốt giữa các cấp Chính phủ.

Đặc biệt, để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, các hệ thống thông tin Chính phủ không giấy tờ; hệ thống điện tử về tham vấn chính sách; hệ thống thông tin báo cáo quốc gia tiến tới xây dựng trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần được tập trung nghiên cứu, thiết lập và cập nhật kịp thời. Cùng với đó là vấn đề an toàn, bảo mật thông tin cá nhân công dân, tổ chức cũng phải được quan tâm đúng mức, tránh lộ lọt thông tin.

Với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, điều quan trọng là chỉ đạo các đơn vị, địa phương kịp thời tham mưu UBND cấp tỉnh rà soát, công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý theo lĩnh vực được phân công; hướng dẫn và chỉ đạo việc triển khai thực hiện đối với UBND cấp huyện, cấp xã trong việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy được thay thế bằng việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú theo quy định của Nghị định số 104/2022/NĐ-CP mà không được “sáng tạo” thêm, gây khó cho doanh nghiệp, người dân.

Với người dân, ngoài việc giám sát các cơ quan hành chính trong thực hiện Nghị định số 104/2022/NĐ-CP thì điều cần thiết là tích cực tìm hiểu và ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến. Trong đó tập trung sử dụng các tiện ích từ tài khoản định danh điện tử của công dân trong ứng dụng VNeID thông qua căn cước công dân gắn chíp điện tử.

Việc thực hiện Nghị định số 104/2022/ NĐ-CP trong giai đoạn đầu chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Chính phủ, chính quyền các cấp và sự chủ động của mỗi người dân thì khó mấy cũng thành công.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.