(HNM) - Ngày 19-3, nguyên thủ các quốc gia Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Armenia, Moldova và Ukraine đã đến thủ đô Mátxcơva (Nga) để tham dự hội nghị thượng đỉnh Hội đồng liên quốc gia thuộc khối Liên minh kinh tế Âu - Á (Eurasec).
Sự kiện này cùng với những nỗ lực của Nga nhằm gắn kết hơn nữa Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) trong thời gian gần đây đang làm sống lại những hồi ức huy hoàng của thời kỳ Mátxcơva giữ vai trò chi phối hoàn toàn về địa chính trị và kinh tế trên lãnh thổ Liên bang Xô Viết.
Mátxcơva giữ vai trò trụ cột trong liên minh Á - Âu. |
Không phải ngẫu nhiên mà phương Tây xem việc tăng cường ảnh hưởng của Nga ở lục địa Á - Âu như một thách thức trong thế kỷ XXI. Đơn giản vì với tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự vốn có của mình, Nga được coi là "thủ lĩnh tự nhiên" của bất kỳ liên minh nào trong khu vực. Do đó, sự gắn kết chặt chẽ giữa các nước cộng hòa Xô Viết sẽ tạo dựng cho Nga một vị thế tốt hơn trong thời đại mở cửa.
Ngoài ra, Eurasec là một minh chứng cho thấy quá trình liên kết trong không gian hậu Xô Viết từ cốt lõi ban đầu là Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan đang có bước chuyển dịch lớn sang giai đoạn thực tiễn. Nó sẽ khiến cho dự án "Đối tác phương Đông" của phương Tây đứng trước nguy cơ phá sản sau ba năm triển khai. Đây là một trong những chiến lược tham vọng nhất của Liên minh Châu Âu (EU) kể từ năm 2004 nhằm lôi kéo các thành viên SNG ra khỏi quỹ đạo Nga. Nếu hoạt động hiệu quả, "Đối tác phương Đông" (gồm Ukraine, Georgia, Armenia, Azerbaijan, Moldova và Belarus), sẽ hoàn toàn phá vỡ ý tưởng của Nga về không gian kinh tế thống nhất.
Tuy nhiên, sau cuộc chiến giữa Nga với Georgia tại Ossetia tháng 8-2008, cùng với sự bất ổn triền miên tại các quốc gia từng "nhập khẩu" cách mạng sắc màu, nhiều nước SNG đã quá ngán ngẩm với chiếc "bánh vẽ" dân chủ gắn mác phương Tây. Điều này chứng tỏ một thực tế không thể phủ nhận là dù sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, hàng loạt các quốc gia đã tuyên bố độc lập và phát triển theo các con đường riêng. Song độc lập không có nghĩa là cắt đứt mọi mối liên hệ. Suốt những năm qua, các quốc gia thuộc Liên Xô vẫn liên kết với nhau bằng hàng nghìn sợi dây khác nhau đặc biệt là vấn đề kinh tế. Sẽ là sai lầm lớn nếu chỉ theo đuổi những ảo tưởng xa vời mà bỏ qua quyền lợi hiện hữu ngay trong các mối quan hệ láng giềng, nhất là trong bối cảnh hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bùng phát năm 2008 vẫn còn ảnh hưởng nặng nề tới nhiều quốc gia. Tổng thống Nga Dmitri Medvedev cũng cho rằng: "Chỉ có một con đường duy nhất để vượt qua thời điểm không dễ dàng đối với nền kinh tế thế giới mà người ta gọi là sự trở lại đại suy thoái hồi thập niên 3 thế kỷ XX, đó là con đường liên kết".
Với dân số gần 300 triệu người, tổng sản phẩm quốc dân khoảng 1.700 tỷ USD/năm kết hợp các tài nguyên thiên nhiên, vốn và các tiềm năng khác, Eurasec không những đủ cơ sở trở thành cầu nối mạnh mẽ giữa Châu Âu và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năng động mà còn trở thành một đối thủ có sức cạnh tranh đáng gờm trong cuộc đua công nghiệp và công nghệ trước các đối thủ lớn như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc. Đáng chú ý là sự hợp lực giữa một cường quốc năng lượng như Nga và các nước Trung Á nhiều dầu mỏ và khí đốt sẽ tạo nên một "siêu cường năng lượng" đủ sức chi phối thị trường thế giới khi mục tiêu thống nhất Eurasec thành một không gian kinh tế - an ninh - chính trị vào năm 2015. Đây quả thực là "cơn ác mộng" đối với Mỹ - nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất thế giới và Châu Âu - khu vực luôn khát năng lượng.
Dù cái tên Liên Xô đã chỉ còn là lịch sử cách đây hơn 20 năm, song, sự trở lại ấn tượng của chú gấu Nga trên vũ đài quốc tế rõ ràng là động lực khiến niềm tin về một không gian SNG lớn mạnh, đủ khả năng trở thành một trong những trụ cột của thế giới hiện đại, tăng dần. Niềm tin này ngày một có cơ sở khi nhà lãnh đạo Vladimir Putin, người đã dẫn dắt nước Nga vượt qua thời kỳ khủng hoảng tồi tệ những năm 90 của thế kỷ trước và cũng là tác giả của ý tưởng xây dựng Eurasec, giành thắng lợi tuyệt đối trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.