(HNM) - Miễn giảm thủy lợi phí (MGTLP) đã tạo ra bước ngoặt trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, tăng lợi nhuận.
Tuy nhiên, việc MGTLP thực hiện theo Nghị định 115/2008/NĐ-CP (NĐ 115) của Chính phủ đang nảy sinh nhiều bất cập kể cả về mức thu thủy lợi phí, đối tượng được thụ hưởng, công tác duy tu, sửa chữa hệ thống thủy lợi... Đây là ý kiến của các địa phương đưa ra tại hội thảo "Đánh giá tác động của NĐ 115 về MGTLP, hiệu quả, quản lý khai thác công trình thủy lợi".
Việc miễn giảm thủy lợi phí hiện nay đang có nhiều bất cập. Ảnh: Bá Hoạt
Sau hơn 4 năm thực hiện việc MGTLP đối với nông dân được giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối (trong hạn mức đất được giao), hầu hết các địa phương đánh giá cao hiệu quả NĐ 115 của Chính phủ. Việc MTLP đã giảm được 5 - 10% chi phí sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa cũng được nâng lên, diện tích rau màu, cây công nghiệp, cây vụ đông không ngừng mở rộng. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Vũ Văn Thặng cho biết, kể từ khi thực hiện NĐ 115, diện tích tưới chủ động của các địa phương tăng bình quân từ 4-10%. Không còn tình trạng giấu diện tích trong hợp đồng tưới tiêu giữa các tổ quản lý, khai thác công trình thủy lợi với các tổ chức của người dân. Nhờ hỗ trợ kinh phí từ việc thực hiện MGTLP, các đơn vị thủy nông đã kịp thời tu sửa công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp...
Mặc dù đem lại những hiệu quả thiết thực, song chính sách này đang bộc lộ không ít bất cập, cần có sự sửa đổi, bổ sung kịp thời. Các đối tượng thụ hưởng chính sách chưa được đề cập đầy đủ, mức thu cũng không phù hợp dẫn đến khó khăn cho việc thanh toán. Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đưa ra lý lẽ, việc lấy mức quy định của Nghị định 143/2003/NĐ-CP của Chính phủ làm cơ sở tính toán, trên cơ sở đó nhân với hệ số trượt giá (2,31 lần) để xác định mức thu quy định của NĐ 115 là không phù hợp. Với mức này, các vùng miền núi sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, mức thu tiền sử dụng mặt nước đối với một số tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản từ 8-10% giá trị sản lượng là quá cao, không tạo điều kiện phát triển thủy sản, do đó cần phải điều chỉnh. Về mức thu của diện tích tưới, tiêu nhiều cấp cũng cần phải sửa đổi, bởi NĐ 115 quy định chỉ miễn giảm cho 1 cấp sau khi nghiệm thu khối lượng công việc, nhưng với đơn vị tưới cho nhiều cấp thì không đủ kinh phí để duy trì hoạt động của tổ chức tự bơm tưới... Trong NĐ 115 chưa đề cập đến việc tiêu nước cho các khu công nghiệp, đô thị và làng nghề, nhưng trên thực tế, các đơn vị thủy lợi của Hà Nội và các tỉnh có nhiều làng nghề lại đang phải bỏ ra khoản chi phí không nhỏ để thực hiện việc này là bất hợp lý. Với Hà Nội, có một số diện tích canh tác của thành phố do tỉnh bạn tưới, tiêu và ngược lại, các đơn vị thủy lợi của Hà Nội đảm nhận tưới tiêu cho các tỉnh như Hà Nam, Bắc Ninh... Với mức thu thủy lợi phí như quy định hiện nay, khi ký kết hợp đồng tưới, tiêu, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc ký và thanh lý hợp đồng do không xác định được mức thu cụ thể. Vì vậy, cần phải sửa đổi một số quy định trong NĐ 115 đối với các trường hợp tưới, tiêu đan xen giữa các tỉnh, thành phố để có cơ sở thực hiện.
Trước những bất cập trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị với Chính phủ chỉnh sửa, bổ sung lại NĐ 115 theo căn cứ vào định mức chi phí hợp lý để xác định lại mức thủy lợi phí phù hợp giữa các vùng, các loại công trình, quy mô hệ thống và phù hợp với tình hình trượt giá của thị trường. Đồng thời nghiên cứu xác định lại đối tượng miễn, giảm thủy lợi phí để bảo đảm công bằng, phát huy vai trò của các tổ chức cung cấp dịch vụ thủy lợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.