Kinh tế phát triển bền vững, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện là thành tựu lớn nhất của Việt Nam trong suốt sáu mươi năm xây dựng đất nước (1945-2005).
Kinh tế phát triển bền vững, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện là thành tựu lớn nhất của Việt Nam trong suốt sáu mươi năm xây dựng đất nước (1945-2005).
Nam 1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời trên nền kinh tế kiệt quệ, với hơn 2 triệu người dân chết đói, ruộng đất hoang hoá, nền công nghịêp nghèo nàn, kho bạc chỉ còn vài trăm ngàn đồng tiền rách nát.
Ngay từ khi giành được chính quyền, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp phục hồi kinh tế kịp thời như cấp ruộng đất cho nông dân, bãi bỏ các loại thuế do chính quyền thực dân phong kiến áp đặt, phát động Tuần lễ vàng để quyên góp tiền bạc tăng ngân sách nhà nước, vận động nhân dân tăng gia sản xuất.
Chín năm kháng chiến chống thực dân pháp, Chính phủ tiếp tục những chính sách khuyến khích sản xuất, với khẩu hiệu vừa kháng chiến vừa kiến quốc, kinh tế ở những vùng tự do và vùng mới giải phóng đã được khôi phục và phát triển.
Đến năm 1954, sản lượng lương thực qui thóc đạt gần 3 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946. Lương thực đủ cung cấp cho nhân dân vùng chính phủ kháng chiến quản lý và bộ đội đánh giặc. Nhiều cơ sở công nghiệp được xây dựng mới, nhiều ngành công nghiệp phục vụ cho đời sống và kháng chiến phát triển như vũ khí, đạn dược, than đá, phân bón, vải và giấy viết.
Hoà bình lập lại (1954), đất nước chia hai miền. Miền Bắc, hậu phương lớn của miền Nam, tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, nhiều diện tích ruộng đất hoang hoá được khôi phục, nhiều hệ thống thuỷ nông, đê điều được xây dựng. Đến năm 1960, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu phục hồi một cách mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng GDP trong năm này đã đạt 18,2%.
Trong suốt thời kỳ 1954 đến 1975, cả miền Bắc là một công trường xây dựng, vừa phát triển kinh tế vừa chi viện miền Nam vừa chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây cũng chính là thời kỳ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, sản lượng nông nghiệp giảm mạnh, không đủ tiêu dùng phải nhận viện trợ và vay nợ.
Tuy nhiên, công nghiệp vẫn tiếp tục phát triển, nhiều cơ sở công nghịêp được xây dựng và phục hồi. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp tính bình quân đầu người năm 1975 tăng 16,6 lần so với năm 1955, bình quân mỗi năm tăng 14,7%. Một số ngành công nghiệp có tốc độ tăng cao là điện, than, xi măng, giấy, vải và đường. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 1975 đạt 28,7% .
Trong 10 năm sau khi miền Nam được giải phóng (1975), do cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu và bao cấp nên hiệu quả đầu tư không cao, kinh tế không phát triển được. Tình trạng làm không đủ ăn, thu chi ngân sách phải dựa vào vay và viện trợ nước ngoài. Trong thời gian này, lạm phát đã lên tới mức kỷ lục 774,7%.
Để đưa đất nước thoát qua tình cảnh khủng hoảng kinh tế kéo dài, đại hội VI của Đảng công sản Việt Nam (12/1986) đã ra quyết định quan trọng, thực hiện đường lối đổi mới toàn diện. Kết quả nổi bật của 20 năm đổi mới là tốc độ tăng trưởng GDP khá cao, gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá. Tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Trong giai đoạn 1991-1995, GDP tăng bình quân 8,2%/năm. Giai đoạn 1995-2000 là thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ các nước châu á, nhưng mức độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Việt Nam vẫn đạt 7%. Giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6,79%, 6,80%, 7,08% và 7,69%. Riêng sáu tháng đầu năm 2005 tăng 7,7%.
Những con số trên đã cho thấy dù đất nước có trải qua nhiều chặng đường lịch sử khó khăn, gian khổ, có những sai lầm trong đường lối chính sách, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn liên tục phát triển.
Theo thông tin của công ty tư vấn AT Kearney ( nêu ra trong Hội thảo tổng kết 20 năm đổi mới của Việt Nam, được tổ chức hồi đầu năm nay), tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn đứng trong nhóm dẫn đầu ở châu á, GDP tính theo đầu người tăng từ 289 USD năm 1995 lên 490 USD năm 2003. Tỷ lệ đói nghèo giảm khoảng một nửa với 25 triệu người thoát khỏi đói nghèo.
Cơ cấu thành phần kinh tế của đất nước cũng ngày càng đa dạng. Bên cạnh kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo (38-39%), đã và đang phát triển mạnh các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể, tập thể và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư nước ngoài và Luật hợp tác xã lần lượt ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoạt động. Hiện đã có trên 125.000 doanh nghiệp tư nhân, x?p x? 16.000 hợp tác xã đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh tế, tập trung phần lớn trong khu vực dịch vụ, nông nghiệp. Ngoài ra, còn có 5.563 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Các thành phần kinh tế ngày càng đóng góp tích cực cho nền kinh tế quốc dân. Dự báo, đến hết năm 2005, thu nhập kinh tế của khu vực nhà nước chiếm 38,5%, kinh tế ngoài quốc doanh là 47% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 15,5%.
Hiện cả nước có 125 khu công nghiệp, khu chế xuất thu hút 3.500 dự án trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho trên 673.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt của nhiều vùng nông thôn .
Kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng nhanh. Trước năm 1986, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu trao đổi sang các nước xã hội chủ nghĩa, gồm lương thực, thực phẩm và động vật sống, đồ uống, thuốc lá, than đá. Đến năm 1999 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 11,5 tỷ USD, đến năm 2004 đã đạt trên 26 tỷ USD. Bảy tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 17,4 tỷ USD. Nhiều sản phẩm trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước và có vị thế trên thị trường quốc tế như gạo, may mặc, da giày, hải sản, cà phê, dầu thô, đồ gỗ... Sản phẩm của Việt Nam đã có mặt trên một trăm quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hệ thống tài chính, tiền tệ cũng đã từng bước được cải thiện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành kinh tế. Các ngân hàng ngày càng thông thoáng và có nhiều dịch vụ hơn. Đặc biệt là phát triển hệ thống ngân hàng điện tử.
Trên cơ sở những thành tựu về kinh tế, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cho rằng kinh tế Việt Nam đang ngày càng tiến dần tới xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Dấu hiệu rõ nhất là Việt Nam đang trong quá trình đàm phán gia nhập WTO. Nhiều bộ Luật mới hoặc sửa đổi ngày càng phù hợp với thực tế phát triển của đất nước và càng gần với những qui ươc, thông lệ quốc tế.
Theo TTXVN
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.