Trung tâm kiểm soát sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa của NASA đã xác nhận tàu thăm dò Curiosity “đang lăn bánh trên sao Hỏa” và công bố những bức ảnh đầu tiên về hành tinh đỏ mà Curiosity đã chụp được.
Bức ảnh đầu tiên về sao Hỏa mà tàu Curiosity đã chụp được và truyền về Trái đất
- Ảnh: NASA
Sau khi vượt qua đoạn đường dài 570 triệu km, robot Curiosity của Mỹ đã đáp xuống sao Hỏa để thực hiện một nhiệm vụ khoa học rất quan trọng nhằm xác định xem trước đây trên hành tinh này đã có sự sống hay không.
Được phóng lên từ Cap Canareval ở bang Florida từ ngày 26/11 năm 2011, Curiosity là thiết bị thăm dò tự hành lớn nhất (900 kg) và tinh vi nhất được đưa lên một hành tinh khác từ trước đến nay.
Theo cựu giám đốc Viện Chính sách Không gian ở Washington John Logsdon, đây là chuyến thăm dò quan trọng nhất về sao Hỏa.
Ông giải thích với AFP rằng, đây là chuyến cuối cùng trong khuôn khổ chiến lược được thông qua cách đây 10 năm nhằm tìm dấu vết của nước trên sao Hỏa, để qua đó biết được là trước đây trên hành tinh này đã có sự sống hay không, trước khi lấy các mẫu đất đá đưa về Trái đất.
Trong chuyến thăm dò dự kiến kéo dài trong hai năm Trái đất (tức là một năm sao Hỏa), robot Curiosity, sử dụng nguồn năng lượng từ một máy phát điện hạt nhân, sẽ cố khám phá xem môi truờng của sao Hỏa có phải từng là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật hay không.
Robot này được trang bị các camera độ phân giải cao và một máy laser có thể nghiên cứu các mục tiêu xa đến 7 mét. Các dụng cụ khác của robot sẽ tìm kiếm những phân tử methane, chất khí thường có liên hệ với sự sống, đã từng được một phi thuyền của Mỹ phát hiện trước đây. Robot Curiosity cũng có thể sẽ lấy các mẫu đất đá sao Hỏa để phân tích.
Ngay từ năm 1960, con người đã tìm cách chinh phục sao Hỏa, nhưng trong 14 chuyến bay thăm dò, chỉ có phân nửa là thành công. Nước đầu tiên muốn đặt một thiết bị thăm dò tự hành lên hành tinh đỏ là Liên Xô vào năm 1960, nhưng Liên Xô, rồi sau đó đến Nga lần nào cũng thất bại. Chỉ có Mỹ là quốc gia duy nhất cho tới nay đã thám hiểm được sao Hỏa, với 6 máy thăm dò, máy cuối cùng là Phoenix vào tháng 5/2008.
Ngoài 14 chuyến bay nhằm đặt tàu thăm dò tự hành lên mặt sao Hỏa, đã có 29 chuyến bay khác nhằm đặt phi thuyền trên quỹ đạo sao Hỏa hoặc bay bên trên hành tinh đỏ, nhưng trong việc này, tỷ lệ thất bại cũng rất cao. Hiện chỉ có ba phi thuyền còn bay trên quỹ đạo sao Hỏa, gồm hai của Mỹ (Mars Odyssey và Mars Reconnaissance Orbiter) và một của châu Âu (Mars Express). Lần này, Mars Express trợ giúp cơ quan NASA trong việc đặt máy thăm dò Curiosity lên sao Hỏa.
Một tấm ảnh mà Curiosity gửi về từ Sao Hỏa (Nguồn: NASA) |
Curiosity nặng khoảng 1 tấn, trị giá 2,5 tỷ USD |
Hình minh họa cú đổ bộ của thiết bị tự hành Curiosity trên sao Hỏa. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.