(HNM) - Nếu như trước kia, Brazil được coi là một trong những nước có sự chênh lệch giàu nghèo lớn nhất thế giới, thì ngày nay đã trở thành một trong những quốc gia đang phát triển...
Đánh giá về chương trình trợ cấp tiền cho các hộ nghèo (Bolsa Familia) được triển khai cách đây 10 năm, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff nhấn mạnh chương trình đã hết sức hiệu quả, giúp 36 triệu người dân nước này thoát khỏi tình trạng bần cùng. Người đứng đầu Nhà nước Brazil cho biết hiện có khoảng 13,8 triệu gia đình được trợ cấp tiền theo chương trình "Bolsa Familia". Nhờ các chính sách đúng đắn của chương trình, tỷ lệ trẻ em tới trường tăng cao, trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ giảm mạnh trong thập kỷ qua.
Được thực hiện từ năm 2003 dưới thời cựu Tổng thống Lula da Silva, "Bolsa Familia" là chương trình chống đói nghèo được đánh giá có quy mô lớn nhất thế giới và được nhiều nước quan tâm nghiên cứu áp dụng. "Bolsa Familia" cho phép các hộ nghèo nhất nước nhận hỗ trợ tài chính trực tiếp từ chính phủ. Brazil luôn quan niệm rằng, đặt tiền vào trong túi người nghèo cũng có nghĩa là trực tiếp cải thiện sức khỏe và đời sống của họ. Do đó "Bolsa Familia" hiện là chương trình chuyển giao tiền mặt lớn nhất thế giới, giúp cắt giảm nạn suy dinh dưỡng của trẻ em Brazil tới 45%. Theo báo cáo của Tổ chức ActionAid và Liên hợp quốc (LHQ), chương trình chiếm 2% tổng nguồn ngân sách liên bang Brazil, đến được với khoảng 13 triệu gia đình (số người được hưởng chiếm 25% dân số đất nước). Quốc gia Nam Mỹ này đã tiến xa trong nỗ lực diệt trừ tận gốc tình trạng nghèo khổ khi làm được một điều gần như là phép màu. Dưới thời cựu Tổng thống Lula da Silva (2003-2010), với dân số hơn 190 triệu người, Brazil đã đưa 36 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói, tạo thêm 15,4 triệu việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất là 6,5%. Theo Giáo sư Andre Portela Souza thuộc Quỹ Getulio Vargas và là nhà nghiên cứu về kinh tế học gia đình, Brazil đã đạt được những mục tiêu thiên niên kỷ về chống đói nghèo mà LHQ đặt ra cho 25 năm chỉ trong vòng có 5 năm. Hàng chục triệu người nghèo nay đã trở thành những người tiêu dùng nhờ những khoản trợ cấp của chính phủ. Với "Bolsa Familia", tỷ lệ nghèo đói đã giảm mạnh nhờ sự tập trung vào hai trụ cột chính là giáo dục và y tế. Trước đó, chương trình xã hội lớn duy nhất của Brazil là chế độ hưu trí cho người già. Quỹ trợ cấp này chỉ đến với những người lao động trong lĩnh vực công, nhưng những người thực sự nghèo ở Brazil lại không kiếm được việc làm trong các cơ quan nhà nước.
Tiếp tục triển khai các chính sách chống đói nghèo, đầu tháng 6 vừa qua, nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil D.Rousseff cam kết sẽ kế thừa các chính sách của người tiền nhiệm Lula da Silva là đẩy mạnh cuộc đấu tranh xóa đói, giảm nghèo ở nước này. Bà D.Rousseff khẳng định, đấu tranh chống nghèo đói được coi là một trong những quốc sách ưu tiên hàng đầu của chính phủ và Brazil quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu của cuộc chiến này. Theo đó chương trình "Brazil không còn cực khổ" là dự án xã hội quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của bà D.Rousseff nhằm nâng cao mức sống của những hộ gia đình đang có thu nhập bình quân đầu người dưới 42 USD/tháng và mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ điện, nước sạch, y tế và giáo dục cho tầng lớp xã hội chịu nhiều thiệt thòi này. Mục tiêu trong năm 2014 của quốc gia lớn nhất Mỹ La tinh này là sẽ không còn gia đình có thu nhập bình quân đầu người hằng tháng dưới 70 real (tương đương 30 USD).
Quốc gia có dân số đứng thứ 5 thế giới hy vọng sẽ trở thành nước đang phát triển đầu tiên hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ thứ nhất của LHQ là loại trừ tình trạng bần cùng và thiếu ăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.