(HNM) - Năm 2015 thật sự là một năm sóng gió với Tổng thống Brazil Dilma Rousseff khi cuộc suy thoái kinh tế và những vụ bê bối tham nhũng đang từng ngày hạ thấp uy tín của nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia Nam Mỹ.
Hàng trăm nghìn người dân Brazil lại xuống đường kêu gọi Tổng thống D.Rousseff từ chức. |
Khoảng 900 nghìn người ở hàng trăm thành phố trên khắp đất nước Brazil đã xuống đường (từ ngày 16-8), đòi Tổng thống D.Rousseff từ chức. Những người biểu tình cho rằng Chính phủ đương nhiệm đã để đất nước ngập chìm trong suy thoái kinh tế, bất ổn chính trị và đặc biệt là tệ nạn tham nhũng gia tăng. Đây là cuộc biểu tình lớn thứ ba chống Chính phủ của Tổng thống D.Rousseff trong năm nay. Ở nhiều thành phố, người xuống đường mang theo biểu ngữ với những dòng chữ lớn "Tổng thống Dilma Rousseff hãy từ nhiệm" và "Nói không với tham nhũng". Đặc biệt, các cuộc biểu tình đều diễn ra trong hòa bình. Tái nhiệm đầy khó khăn vào cuối năm 2014, trải qua 3 cuộc biểu tình với quy mô lớn (lần thứ nhất hồi tháng 3-2015, với số người tham gia ước tính trên 1 triệu, lần thứ hai vào tháng 4-2015 với khoảng 600 nghìn và lần thứ ba, trong mấy ngày qua với gần 1 triệu người), uy tín của bà D.Rousseff đang giảm sút nghiêm trọng. Hiện nay chỉ còn khoảng chưa đến 8% người dân đặt niềm tin vào đương kim tổng thống.
Từ quý III-2014, kinh tế Brazil đã chìm sâu vào suy thoái. Năm nay đất nước của vũ điệu Samba được dự đoán, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,5%. Tỷ lệ lạm phát của Brazil tháng 7 vừa qua đã leo lên kỷ lục mới, với mức 9,56%, cao nhất kể từ năm 2003. Lạm phát tiếp tục cao hơn so với mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Trung ương Brazil bất chấp 7 lần tăng lãi suất liên tiếp (lần gần đây nhất tăng lên 14,25%). Giá cả đang ngày càng leo thang do giá điện tăng tới 57,8% (chỉ trong 12 tháng) dẫn tới chi phí nhà ở, thực phẩm, nước uống và y tế đều tăng. Bộ trưởng Tài chính Brazil Joaquim Levy cho biết: Cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra đã và đang làm tổn thương nghiêm trọng nguồn thu ngân sách. Không thể đạt mức thu ngân sách như dự kiến, nền kinh tế mới nổi này cũng sẽ không đạt được các mục tiêu tài khóa trong vài năm tới. Các nhà phân tích cũng cho rằng Brazil khó vượt qua được cơn suy thoái khi đà sụt giảm kinh tế được dự báo sẽ loang rộng trong năm 2016.
Trong bối cảnh hiện nay, Tổng thống D.Rousseff và đảng Lao động (PT) trong liên minh cầm quyền đang phải đối mặt với 3 vấn đề cực kỳ nan giải. Thứ nhất, suy thoái kinh tế với mức lạm phát sắp ở ngưỡng hai con số đi kèm với chính sách "thắt lưng buộc bụng" không hợp lòng dân. Thứ hai là vụ bê bối tham nhũng "khủng" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Brazil (Petrobras) liên quan đến nhiều đảng phái, chính trị gia và nghị sĩ Brazil, khiến ngân sách nước này bị thất thoát, số tiền bị biển thủ lên tới hàng tỷ USD. Thứ ba, cuộc khủng khoảng chính trị kéo dài, ngày càng căng thẳng có thể khiến liên minh đa số trong Quốc hội bị tan vỡ.
Tuy nhiên, trước áp lực từ các cuộc biểu tình liên tục diễn ra, Tổng thống Brazil vẫn khẳng định, sẽ không từ nhiệm. Theo bà D.Rousseff, cần phải củng cố nền dân chủ đất nước khi vẫn còn đó những tàn dư của thời kỳ độc tài (1964-1985) và "văn hóa đảo chính". Chính quyền của Tổng thống D.Rousseff hiện đang xem xét những biện pháp mới mang tính cấu trúc nhằm điều chỉnh các khoản tài chính công; đồng thời nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách và đưa nền kinh tế Brazil phục hồi. Ngày 18-8, bất chấp dự báo không mấy sáng sủa của giới chuyên gia, Bộ trưởng Tài chính J.Levy tuyên bố trong năm 2016 kinh tế nước này sẽ thoát khỏi suy thoái. Trả lời kênh Truyền hình Record TV, ông J.Levy cho biết trong năm tới, tỷ lệ lạm phát ở Brazil sẽ bắt đầu giảm và chính phủ sẽ chấm dứt các biện pháp kinh tế khắc khổ; đồng thời nêu rõ phần lớn các biện pháp cải cách mà Chính phủ Brazil thực hiện đã hoàn tất, Ngân hàng trung ương đang kiểm soát được lạm phát và hoạt động sản xuất nông nghiệp khởi sắc.
Có thể thấy, nữ tổng thống đầu tiên của Brazil đang đứng trước những thách thức hết sức gay gắt. Không chỉ phải giải quyết êm thấm những bê bối tham nhũng, dẹp yên những cáo buộc của phe đối lập, mà hơn hết bà D.Rousseff còn phải khôi phục niềm tin của người dân - một thách thức thật không dễ chút nào khi đã bị "sứt mẻ".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.