(HNM) - Tại Thế vận hội mùa hè 2020 vừa được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản (Olympic Tokyo 2020), bơi lội Việt Nam có 2 tuyển thủ góp mặt là Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Thị Ánh Viên, nhưng cả hai đều không gây được bất ngờ. Từ kỳ Olympic này, bơi lội Việt Nam đã có được những bài học quý để hướng tới những mục tiêu mới trong tương lai.
Vận động viên nỗ lực
Tại Olympic Tokyo 2020, vận động viên Nguyễn Huy Hoàng giành suất chính thức tham dự Olympic với chuẩn A ở nội dung bơi 800m và 1.500m tự do. Trong lần đầu tham dự Thế vận hội, kình ngư trẻ này đã thi đấu rất nỗ lực và về đích thứ 2 đợt thi của mình, với thành tích 7 phút 54 giây 16, nội dung 800m bơi tự do. Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng chỉ đứng sau vận động viên Zac Reid (New Zealand) có thành tích là 7 phút 53 giây 06. Điều đáng nói, không một kình ngư nào của châu Á sánh kịp thành tích của Nguyễn Huy Hoàng, song điều đó vẫn chưa đủ để kình ngư của Việt Nam giành được vé vào chung kết.
Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục Thể dục - Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hoàng Quốc Vinh chia sẻ: "Thế vận hội là đấu trường khắc nghiệt, dù chưa đạt thành tích như mong muốn, song các vận động viên Việt Nam đã thi đấu hết mình. Đối với môn bơi lội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, suốt hơn 1 năm qua, các vận động viên nước ta không được thi đấu quốc tế và cũng không được ra nước ngoài tập huấn, nên việc chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 không được như mong đợi”.
Còn chuyên gia bơi lội Vũ Thị Sen cho rằng: “Ở môn bơi lội, ngay với cường quốc Trung Quốc còn rất vất vả để cạnh tranh huy chương, thì rõ ràng các kình ngư Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn lớn như thế nào. Để có được bước tiến lớn ở đấu trường Olympic, môn bơi lội cần nhiều thời gian, đầu tư trọng điểm nhằm tạo nên lứa vận động viên kế cận, tài năng, thi đấu đạt thành tích tốt”.
Chuyên gia bơi lội Vũ Thị Sen cho biết thêm, tại Olympic Tokyo 2020, Nguyễn Thị Ánh Viên chưa thể lấy lại phong độ tốt nhất, còn Nguyễn Huy Hoàng cũng không đạt được thành tích cá nhân tốt nhất đã từng đạt được. Song, trong điều kiện dịch bệnh, việc tập luyện, thi đấu gặp nhiều khó khăn, để có mặt tại Olympic đã là một vinh dự lớn. Điều quan trọng nhất, qua Olympic Tokyo 2020 cho thấy, Nguyễn Huy Hoàng có thể trạng phù hợp với những cự ly dài, nếu được đầu tư đúng tầm, kình ngư này có thể đạt được những nấc thang mới trong sự nghiệp thi đấu quốc tế.
Đầu tư bài bản để phát triển đường dài
Mặc dù, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị của môn bơi lội Việt Nam cho Olympic Tokyo 2020, nhưng sau hành trình này, bài toán đặt ra đối với những nhà quản lý, đó là phải đặt mục tiêu đào tạo được những vận động viên thi đấu đỉnh cao, có đủ trình độ vươn đến đẳng cấp của đấu trường quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, bơi lội Việt Nam cần làm tốt từ khâu tuyển chọn vận động viên, sau đó phải có chiến lược đầu tư bài bản để phát triển đường dài. Đặc biệt, cần áp dụng được khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong việc khám sàng lọc phát hiện các tài năng bơi lội từ sớm thông qua các chỉ số về cấu trúc cơ thể. Từ đó có kế hoạch đầu tư trọng điểm cho vận động viên ở các sân chơi quốc tế, như: SEA Games, ASIAD và Olympic...
Cũng theo ông Hoàng Vĩnh Giang, khó khăn lớn nhất đối với đội tuyển bơi lội Việt Nam hiện nay là thiếu huấn luyện viên giỏi và thiếu kinh phí để đưa các vận động viên được đầu tư trọng điểm đi tập huấn ở nước ngoài. Trong hai vận động viên bơi lội dự Olympic Tokyo 2020, chỉ có Nguyễn Huy Hoàng là có chuyên gia người Trung Quốc hướng dẫn tập luyện; còn Nguyễn Thị Ánh Viên, sau khi kết thúc tập huấn tại Mỹ và huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn rời đội tuyển bơi lội Việt Nam vào tháng 1-2020, đến nay vẫn chưa có huấn luyện viên riêng.
Còn theo phụ trách Bộ môn Bơi (Tổng cục Thể dục - Thể thao) Lê Thanh Huyền, Tổng cục luôn tạo mọi điều kiện để cho đội tuyển bơi lội Việt Nam được tập luyện. Tùy tình hình dịch Covid-19, trong tháng 8 này, toàn bộ đội tuyển bơi lội Việt Nam sẽ tập huấn tập trung tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). “Tất cả vận động viên, huấn luyện viên các nội dung đều ra Hà Nội tập huấn, kể cả tuyển thủ Nguyễn Thị Ánh Viên và Nguyễn Huy Hoàng. Bể bơi ở Mỹ Đình có đủ trang thiết bị tốt nhất và phù hợp cho đội bơi tập huấn vào thời điểm này”, bà Lê Thanh Huyền thông tin.
Về vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn cho biết, thời gian tới, Tổng cục sẽ nỗ lực tìm kiếm các nguồn lực tài chính, kết hợp giữa ngân sách trung ương, địa phương và huy động xã hội hóa để tìm các huấn luyện viên giỏi, cũng như đưa các vận động viên trọng điểm của đội tuyển bơi lội Việt Nam đi tập huấn và thi đấu ở nước ngoài, hướng tới mục tiêu cạnh tranh được huy chương tại các đấu trường lớn, như ASIAD hay Olympic trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.