Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bồi đắp nếp văn minh lễ hội

Hà An| 25/02/2017 06:12

(HNM) - “Chưa bao giờ việc xây dựng nếp văn minh lễ hội được các địa phương quan tâm như xuân 2017”. Đó là nhận định đáng chú ý được nêu tại lễ sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội Xuân Đinh Dậu, năm 2017 diễn ra ngày 24-2 do Bộ VH-TT&DL tổ chức.


Đây quả là việc không thể không quan tâm khi trong thời gian vừa qua, bên cạnh sự sống dậy và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của lễ hội là những biểu hiện tiêu cực, phản cảm tái diễn tại không gian văn hóa ý nghĩa này. Đáng chú ý, bên cạnh những hạn chế lâu nay về tổ chức, hoạt động lễ hội vẫn “âm ỉ”, thậm chí nảy sinh những tiêu cực mới có nguy cơ phá vỡ các giá trị, suy giảm ý nghĩa tốt đẹp truyền đời của dân tộc qua hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng này. Đó là biểu hiện thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi. Thậm chí, một số địa phương còn tùy tiện trong việc cấp phép, nâng cấp, tăng tần suất, mở rộng quy mô tổ chức lễ hội; phục dựng lễ hội không đúng, làm sai lệch các nghi thức truyền thống… Một số lễ hội còn tồn tại những tập tục cũ không phù hợp, cản trở việc xây dựng nếp sống ứng xử văn minh nơi công cộng. Rõ ràng, ngoài những hạn chế có tính tự phát của cộng đồng như tranh cướp lộc, thiếu ý thức giữ vệ sinh môi trường, đeo bám khách… thì còn có những biểu hiện lợi dụng lễ hội, thậm chí thả nổi công tác quản lý ở những người có trách nhiệm.

Không thể phủ nhận công tác quản lý, tổ chức lễ hội dịp Xuân Đinh Dậu 2017 đã có chuyển biến tích cực, song rõ ràng đây là những chuyển biến chưa bền vững.

Bồi đắp nếp văn minh lễ hội rất cần được tiếp tục quan tâm và quan tâm một cách quyết liệt hơn bởi đây là hoạt động góp phần giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Tất nhiên, ứng xử với lễ hội, bồi đắp nếp văn minh cho lễ hội đòi hỏi sự hiểu biết, sự quyết liệt và sự ủng hộ của người dân. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này rất rõ ràng. Mới đây nhất, ngày 20-2-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Trước hết, các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là chính quyền địa phương phải tìm “lời giải” ngay trong việc bám sát Chỉ thị 06/CT-TTg cũng như trong việc thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về vấn đề này. Đây cũng là bước đi đầu tiên quan trọng để khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém, sự phô trương, lãng phí… trong tổ chức lễ hội.

Lễ hội vốn sinh ra từ cộng đồng, được nuôi dưỡng trong cộng đồng và quay lại phục vụ các giá trị cộng đồng. Vì vậy, để phát huy các giá trị tích cực của lễ hội không thể thiếu sự tham gia của các chuyên gia, các nhà văn hóa, nhà khoa học. Tiếng nói của các chuyên gia văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, nhà báo... trong việc xác định cái tích cực, cái hủ tục trong lễ hội nhất là trong những trường hợp gây tranh cãi, là vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là tiếng nói định hướng cộng đồng, mà còn là tiếng nói cộng hưởng cùng với cơ quan quản lý nhằm quyết liệt xử lý, loại bỏ những hiện tượng, hành vi tiêu cực tồn tại trong lễ hội, dù nhỏ. Cũng như vậy, nhân dân, người thực hành, nuôi dưỡng, bảo vệ lễ hội cần được tuyên truyền thường xuyên, liên tục để từng bước nhận thức đúng và ứng xử tích cực hơn với lễ hội.

Đặc biệt, xây dựng nếp văn minh lễ hội còn rất cần gắn chặt với các quy định khác về ứng xử nơi công cộng để dần từng bước hình thành những "quy chuẩn" mới bảo đảm cho lễ hội vừa an toàn, vừa văn minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bồi đắp nếp văn minh lễ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.