Ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định cơ quan này sẽ chủ động xem xét dự thảo thông tư của Bộ Công an cho phép CSGT “ưu tiên” xe của cán bộ cấp cao khi xảy ra tai nạn và hậu kiểm theo thẩm quyền khi thông tư được ban hành.
Dự thảo thông tư cho phép CSGT "ưu tiên" xe của cán bộ cấp cao khi xảy ra tai nạn giao thông đang thu hút sự chú ý của dư luận (Ảnh minh họa). |
Trao đổi với báo chí, ông Đồng Ngọc Ba cho biết, đến nay Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật mới chỉ tiếp nhận thông tin phản ánh về dự thảo Thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của CSGT do Bộ Công an xây dựng qua báo chí. Theo quy định hiện nay, Bộ Tư pháp không bắt buộc phải cho ý kiến từ khâu dự thảo thông tư do các Bộ soạn thảo. Tuy nhiên trước vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm, Cục Kiểm tra văn bản sẽ chủ động vào cuộc xem xét.
“Đến nay Bộ Công an chưa gửi văn bản xin ý kiến chúng tôi về dự thảo thông tư này. Nếu họ xin ý kiến, chúng tôi sẽ có ý kiến chính thức. Sau này khi thông tư ban hành chính thức thì theo thẩm quyền, chúng tôi sẽ xem xét về tính pháp lý của nó”- ông Ba nói.
Cục trưởng Kiểm tra văn bản cho rằng khi đưa ra dự thảo có quy định gây tranh cãi như vậy thì chắc chắn Bộ Công an phải xem xét kỹ lưỡng trước tiên về tính pháp lý. “Sau đó mới xem xét đến tính khả thi và thực tiễn chứ không hẳn chỉ có căn cứ pháp lý. Tôi nghĩ rằng khi đã đưa ra lấy ý kiến rộng rãi như vậy thì Bộ Công an phải tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, dư luận và xem xét có nên để quy định đó trong thông tư hay không?”- ông Ba bày tỏ.
Trước đó trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho rằng việc “ưu tiên” cho xe của cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước khi xảy ra tai nạn giao thông không phải quy định mới.
Ông Quân khẳng định cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước thường có lái xe riêng. Về nguyên tắc thì tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên đối với cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước còn phải đảm bảo cả những yêu cầu khác, đặc biệt là liên quan đến yếu tố công vụ. “Đây là điều rất quan trọng và các nước trên thế giới đều phải thực hiện như vậy. Đối với cán bộ cấp cao phải được đảm bảo yêu cầu công vụ trong mọi trường hợp chứ không chỉ trong xử lý các vụ tai nạn giao thông đâu”- ông Quân nói.
Mặc dù ưu tiên “cho đi” nhưng dự thảo thông tư đã nói rất rõ rồi về phương hướng xử lý. Theo đó, phương án thứ nhất, nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó vẫn hoạt động được, đủ điều kiện tham gia giao thông thì CSGT lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản rồi giải quyết cho đi; định thời gian yêu cầu người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết.
Tuy nhiên, nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó không đủ điều kiện tham gia giao thông thì áp dụng phương án hai, tức là phải giải quyết cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đến địa điểm an toàn hoặc đến nơi cần thiết theo yêu cầu của cán bộ đó. Trường hợp cán bộ đó trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì trước khi giải quyết cho đi phải lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản; định thời gian yêu cầu cán bộ đó đến trụ sở cơ quan Công an để giải quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.