Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Y tế: Nguy cơ cao dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam

Thanh Hương| 08/06/2015 18:39

(HNMO) - Chiều 8/6, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn về giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) tại 63 điểm cầu trên cả nước.

Tham dự hội nghị, ngoài lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các Viện của ngành y tế, lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Trung tâm y tế dự phòng, lãnh đạo bệnh viện tỉnh, bệnh viện tư nhân, bệnh viện huyện; đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đại diện Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam (US CDC) còn có đại diện các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Lao động thương binh xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng Cục du lịch.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến thời điểm này, Hàn Quốc là nước có số ca mắc MERS-CoV nhiều nhất sau khu vực vùng Trung Đông. Hàng ngày có nhiều chuyến bay từ Hàn Quốc sang Việt Nam. Với khoảng 100.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc và cũng nhiều người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam, việc đi lại giữa hai bên không chỉ bằng đường hàng không mà còn bằng đường khác nên nguy cơ dịch MERS-CoV vào Việt Nam là khá cao.

Để đối phó với dịch bệnh này, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đã thành lập 4 đội phản ứng nhanh, đề nghị bắt buộc những người từ Hàn Quốc nhập cảnh Việt Nam khai tờ khai y tế.

Theo người đứng đầu ngành y tế, dù mức độ nguy cơ dịch MERS-CoV vào Việt Nam như thế nào thì không được chủ quan, lơ là mà phải quyết liêt ngay từ đầu, không được buông lơi từng phút. Chỉ một ngày buông lơi là dịch có thể xâm nhập, mà khi dịch xâm nhập thì hết sức phức tạp. Vì vậy, “tôi mong toàn bộ hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành quyết tâm không để dịch xâm nhập vào Việt Nam”-Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Toàn cảnh hội nghị


Theo bà, để dịch không xâm nhập, có nhiều giải pháp nhưng phải bắt đầu từ việc truyền thông cho người dân, khi dân đồng thuận mọi việc sẽ tốt. Kiểm soát dịch tại biên giới cũng rất quan trong. Ngoài ra, việc xét nghiệm để phát hiện sớm cũng trường hợp bị nhiễm cần lưu ý. Nếu dịch xảy ra, nguyên tắc là phát hiện dịch sớm, bao vây, dập tắt dịch, không cho dịch lan rộng. Có bệnh nhân mắc, cố gắng cứu sống bệnh nhân bằng mọi cách.

Đại US CDC cho biết, MERS-CoV lây truyền từ động vật sang người do phơi nhiễm với lạc đà (tiếp xúc trực tiếp, qua giọt nước bọt, sữa lạc đà tươi) và lây từ người sang người. Đáng chú ý, các ca lây từ người sang chủ yếu tại các bệnh viện, cơ sở y tế (chiếm hơn một nửa các ca bệnh), lây tại hộ gia đình (chỉ chiếm khoảng 4%). Sự lây lan dịch bệnh có thể diễn ra ở môi trường khác nữa nhưng chưa có bằng chứng, chỉ có 1 trường hợp là lây ở môi trường làm việc được ghi nhận.

Theo nhận định, nguy cơ về dịch MERS-CoV còn kéo dài, tiếp diễn nhiều năm tới bởi lạc đà tồn tại ở Trung Đông.

Theo đại diện WHO tại Việt Nam, đến nay Hàn Quốc đã có 87 người mắc, trong đó 5 người bị tử vong. Có tin đồn virus MERS-CoV có sự đột biến gen, biến chủng, nhưng nghiên cứu cho thấy virus này chưa có bằng chứng virus đột biến, ảnh hưởng đến tính lây lan của MERS-CoV.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, đến ngày 07 tháng 6 năm 2015, đã có 1.209 trường hợp mắc, trong đó có 448 trường hợp tử vong tại 26 quốc gia: vùng Trung Đông: 9 quốc gia, Mỹ, châu Âu: 12 quốc gia, châu Á: 4 quốc gia gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, riêng tại Hàn Quốc đã có 64 trường hợp mắc, với 5 trường hợp tử vong.

PGS-TS Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam cho hay, có ý kiến cho rằng nguy cơ  lây nhiễm MERS-CoV vào Việt Nam là cao, nhưng có ý kiến lại nghĩ ở mức trung bình hoặc thấp. Tuy nhiên, nguy cơ dịch lây từ Hàn Quốc sang là khá lớn vì nhiều người Việt Nam làm ăn, học tập tại Hàn Quốc, và nhiều công dân nước khác đi qua Hàn Quốc vào Việt Nam. Vì vậy, việc áp dụng tờ khai y tế đã đồng loạt được thực hiện.

PGS.TS Trần Đắc Phu đã nêu lại Kế hoạch hành động phòng, chống MERS-CoV Bộ Y tế ban hành ngày 3/6/2014. Theo đó, có 3 tình huống.

Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam. Phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam để xử lý triển để, tránh lây lan ra cộng đồng và các cán bộ y tế.

Tình huống 2: Xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.

Tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng. Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và giảm lây lan ra cộng đồng.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê-Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) về phân tuyến điều trị khi dịch bệnh xảy ra, các bệnh viện tuyến cuối là BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Bạch mai, BV Nhi Trung ương, BV Trung ương Huế, BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Chợ Rẫy sẽ điều trị tuyến cuối những ca xâm nhập đầu tiên, những ca nặng, khó; xây dựng hướng dẫn chuyên môn, phác đồ chẩn đoán, điều trị; kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ BV tuyến dưới công tác điều trị chống dịch.

Các BV tuyến điều trị chủ yếu là các BV đa khoa trực thuộc Bộ Y tế; BV đa khoa tỉnh, thành phố; BV ngành, BV chuyên khoa Nhi, truyền nhiễm trực thuộc Sở Y tế, Bộ Y tế điều trị những ca trung bình trong trường hợp dịch lan rộng, quá tải tuyến cuối. Các BV tuyến điều trị mở rộng và tại chỗ là các BV đa khoa huyện, điều trị những ca nhẹ.

Các trạm y tế cơ sở phát hiện các trường hợp nghi ngờ trong cộng đồng; cách ly tạm thời và chuyển bệnh viện tuyến trên; sẵn sàng điều trị bệnh nhân tại chỗ.

Việc tổ chức thu dung, cách ly và điều trị MERS-CoV tại bệnh viện cũng được chia ra 3 tình huống: chưa có trường hợp bệnh; xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam; dịch lây lan ra cộng đồng.

Hội nghị cũng được nghe đại diện BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh nhân, phòng ngừa và kiểm soát lây lan tại cơ sở y tế; đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói về công tác giám sát, xử lý ổ dịch; hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Y tế: Nguy cơ cao dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.