Trong phiên chất vấn chiều 26/3 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công chức viên chức được nhiều đại biểu đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án cải cách chế độ công vụ, công chức để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển đất nước. Đây là vấn đề lớn, trọng tâm của cả nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII.
Để thực hiện Đề án, Bộ trưởng Nội vụ nêu 12 giải pháp, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn triển khai thực hiện Luật cán bộ công chức và Luật viên chức. Thực hiện phân công, phân cấp thẩm quyền phê duyệt, danh mục vị trí việc làm đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về vị trí việc làm và các chức danh, tiêu chuẩn của CCVC.
Đổi mới nâng cao chất lượng thi tuyển công chức theo hướng công khai, minh bạc, chất lượng, khách quan đồng thời ứng dụng CNTT vào thi tuyển. Tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện thi nâng ngạch công chức viên chức theo nguyên tắc cạnh tranh với lộ trình thích hợp.
Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ xây dựng hai Nghị định về việc phát hiện, trọng dụng, đãi ngộ người tài năng trong hoạt động công vụ và Nghị định về tiến cử người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Bộ Nội vụ cũng quy định chế độ từ chức và hình thức văn hóa từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý. Về cải cách tiền lương, các đãi ngộ, tôn vinh đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, yêu cầu ngành phải đẩy mạnh thực hiện.
Trước chất vấn về việc đổi mới căn bản công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, công tác tuyển dụng trước đây được thực hiện theo Pháp lệnh cán bộ công chức 1998. Từ năm 2003 đã sửa đổi, tuyển dụng căn cứ vào kiến thức chung, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học nhằm đảm bảo tuyển dụng đầu vào đạt tiêu chuẩn.
Liên quan đến bằng cấp, trong quá trình thực tế, Bộ Nội vụ sẽ phối kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hạn chế tình trạng học giả bằng thật.
Tuyển dụng công chức, viên chức phải theo Luật
Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) nhắc lại việc vừa qua mỗi địa phương tuyển dụng công chức, viên chức theo tiêu chuẩn riêng và hỏi Bộ trưởng làm gì để thống nhất, bình đẳng trong tuyển dụng?
Bộ trưởng cho biết khi có thông tin về các địa phương chỉ chọn công chức với những tiêu chuẩn khác nhau (chỉ nhận ứng viên tốt nghiệp đại học,…) Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết.
Trong lúc chưa có quyết định mới thì việc tuyển dụng phải theo Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, không phân biệt loại hình đào tạo. Chỉ khi nào Bộ Giáo dục và Đào tạo có phân loại hình đào tạo, lúc đó mới có căn cứ xem xét.
Đối với vấn đề ngạch bậc còn chưa hợp lý, chưa khuyến khích người tài làm việc trong cơ quan Nhà nước, Bộ trưởng cho biết hiện Bộ đang tập trung xây dựng chương trình tổng thể cải cách tiền lương giai đoạn 2012-2020.
Hướng chung của chương trình trong những năm tới là đảm bảo xây dựng lộ trình đạt mức lương tối thiểu đối với khu vực doanh nghiệp, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, chính sách đối với bảo hiểm xã hội, chính sách với người có công. Khi đạt tới mức lương tối thiểu theo nhu cầu tối thiểu mới tính tới ngạch bậc cho phù hợp.
Chính sách cho cán bộ không chuyên trách cấp xã
Với vai trò là đội ngũ trực tiếp thực hiện nông thôn mới, quyền lợi, chính sách đãi ngộ cho cán bộ công chức cấp xã cũng được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) hỏi Nghị định 92 của Chính phủ ban hành tháng 10/2009 về bố trí CBCC cấp xã có mặt tích cực, song thực tế cán bộ không chuyên trách cũng hoạt động tương tự như cán bộ cấp xã, trình độ cũng tương đương nhưng chính sách cho đội ngũ này còn thấp (không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tử tuất)?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết “muốn xử lý vấn đề này một cách tương đối hệ thống thì phải tiến hành đồng bộ từ Nghị quyết Đảng, Luật, Nghị định... Vừa qua Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ xây dựng Đề án về chế độ chính sách với cán bộ xã phường thị trấn và đề án chính sách với cán bộ ở các nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở đó và tổng kết các nghị quyết của Đảng, Luật, Nghị định, chúng tôi sẽ tham mưu các cơ chế chính sách cho các đối tượng này phù hợp”.
Trước mắt, Bộ sẽ có Tờ trình Chính phủ trong tháng 4 tới để sửa đổi một số điều của Nghị định 92 cho phù hợp với tình hình từng địa phương về phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn.
Tổng kết về cả hai buổi chất vấn và trả lời chất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng- chủ tọa phiên chất vấn hoan nghênh tinh thần trả lời thẳng thắn, minh bạch và trách nhiệm của các Bộ trưởng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, bức xúc và những vấn đề đặt ra trong hai lĩnh vực trên cần tiếp tục khắc phục. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng vào sự chuyển biến tích cực của các kế hoạch, đề án mà các Bộ trưởng đã nêu. Đối với việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan có sự phối hợp tốt hơn để các phiên chất vấn đạt chất lượng cao hơn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.