Giáo dục

Tranh luận việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa

Mai Hữu 31/10/2023 18:46

Chiều 31-10, tại kỳ họp thứ sáu, thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã tranh luận sôi nổi về sự cần thiết giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

nguyenduythanh.jpg
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) phát biểu.

Về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88/2014/QH13, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) không tán thành. Theo đại biểu, cơ sở pháp lý việc này không phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội và Luật Giáo dục năm 2019. Cơ sở thực tiễn cũng không phù hợp với chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã đạt được kết quả và đang triển khai thuận lợi.

“Việc này sẽ dẫn đến quay lại tình trạng độc quyền, trái với chủ trương khuyến khích xã hội hóa, đi ngược lại xu hướng quốc tế”, đại biểu nói.

nguyenthimaihoa.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp).

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh, việc xã hội hóa sách giáo khoa là điểm nhấn, thành công trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, được đoàn giám sát ghi nhận trong báo cáo giám sát. Về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88/2014/QH13, đại biểu cho rằng, Nghị quyết số 88/2014/QH13 là nghị quyết gốc; tuy nhiên đến năm 2020, tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, do phải áp dụng vào chương trình năm học mới nhưng chưa có bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho lớp 1, Quốc hội cho phép khi có bộ sách giáo khoa xã hội hóa thì không sử dụng nguồn từ Nhà nước.

“Tuy nhiên, thông qua giám sát, vẫn rất cần thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với việc xây dựng nội dung, chương trình sách giáo khoa. Cần có một bộ sách giáo khoa để chúng ta hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống, khi cần thiết có thể bảo đảm đến đầu năm học mới là có sách giáo khoa; đồng thời thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc biên soạn sách giáo khoa”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

luubamac.jpg
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) phát biểu tranh luận.

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, thời điểm này không nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn bộ sách giáo khoa mà quan trọng nhất là nên tập trung nghiên cứu, lựa chọn một bộ sách giáo khoa và sử dụng có hiệu quả các bộ sách giáo khoa đang lưu hành.

Đại biểu Lưu Bá Mạc đề xuất giao quyền cho các chủ thể (nhà trường, giáo viên, học sinh) lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với tình hình thực tiễn. Các cơ quan nhà nước chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc lựa chọn sách giáo khoa mà không nên can thiệp vào việc lựa chọn sách giáo khoa. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn bộ sách giáo khoa chỉ nên được thực hiện sau khi tổng kết, đánh giá cụ thể, khách quan và khoa học.

Đối với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) nêu rõ việc biên soạn, in ấn, phát thanh tài liệu giáo dục địa phương theo Luật Giáo dục năm 2019 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản, Luật Quản lý sử dụng tài sản công… kể cả tài liệu giáo dục địa phương đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết 868/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục năm 2019, ban hành quy định về thực nghiệm phê duyệt sách giáo khoa, hướng dẫn việc in và phát thanh tài liệu giáo dục địa phương.

Thảo luận về lĩnh vực giáo dục, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) dẫn thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc năm học 2022 – 2023, cả nước còn thiếu 118 nghìn giáo viên, làn sóng giáo viên nghỉ việc vẫn chưa dừng lại khi có gần 9.300 giáo viên nghỉ việc trong năm học vừa qua. “Qua giám sát của Quốc hội cũng cho thấy hiện nay, tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng 10% với ngành đặc thù như giáo dục là chưa khoa học, trong khi quy định của ngành rất rõ về tỷ lệ giáo viên đứng lớp”, đại biểu Đoàn Quảng Nam nêu rõ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tranh luận việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.