(HMNO) – Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Dự án luồng sông Hậu là tuyến giao thông thủy huyết mạch của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện đê chắn sóng phía bắc của dự án đã được triển khai...
Giải trình thêm về dự án luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu trước Quốc hội sáng 1/11, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, từ đầu những năm 1980, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều nghiên cứu, đánh giá và khẳng định, không thể cải tạo luồng Bình An hiện có để cho tàu trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào. Thực tế thực hiện công tác nạo vét, duy tu luồng Bình An nhiều năm qua cho thấy rõ, mặc dù hàng năm đều được duy tu, nạo vét để tạo điều kiện cho tàu trọng tải từ 3-5 nghìn tấn ra vào nhưng sau một thời gian ngắn thì đều bị bồi lấp. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, khảo sát, tư vấn của các cơ quan uy tín, các cơ quan chức năng nhận thấy việc lập dự án mới luồng sông Hậu là cần thiết và phù hợp. Chính vì vậy, dự án đã được đưa vào danh mục dự án trọng điểm, được triển khai từ năm 2008, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và đã được Quốc hội thông qua năm 2010.
Theo Bộ trưởng, Dự án luồng sông Hậu là tuyến giao thông thủy huyết mạch cho toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để tiết kiệm chi phí đầu tư, Bộ đã thống nhất với EVN phương án phối hợp giữa dự án luồng sông Hậu với dự án trung tâm điện lực vùng duyên hải, giảm số lượng đê chắn sóng từ 4 đê xuống còn 2 đê. Hiện đê chắn sóng phía bắc đã được triển khai , nếu không triển khai đê phía nam và tuyến luồng vào cảng thì khu bến cảng nhập than của trung tâm điện lực duyên hải cũng không hoạt động được. Do vậy, việc tiếp tục triển khai dự án là hết sức cấp bách và cần thiết.
Bộ trưởng Đinh La Thăng |
Theo thiết kế, luồng sông Hậu có tổng chiều dài 40km. Tư vấn đã đánh giá, phân tích nhiều mặt kỹ thuật của công trình và cho biết, dự án có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu về môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, có tính ổn định cao, hạn chế ảnh hưởng yếu tố sông, yếu tố từ biển, khối lượng sa bồi tương đương cảng Cái Lân (Quảng Ninh) và cảng Hải Phòng, đảm bảo sự phát triển bền vững của dự án.
Về vai trò, hiệu quả của dự án, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đồng bằng sông Cửu Long năm 2012 là hơn 6,6 triệu tấn/30 triệu tấn cần vận chuyển. Theo quy hoạch, đến 2015 là 16,5 triệu tấn và đến năm 2020 là khoảng 44 triệu tấn, bằng khoảng 20% tổng số hàng hóa cần vận chuyển. Trong khi đó, khoảng 80% lượng hàng xuất nhập khẩu phải tiếp chuyển qua các cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh do luồng vào các cảng trên sông Hậu hiện chỉ đáp ứng được tàu tải trọng 5000 tấn, khiến tổng chi phí phát sinh hàng năm lên tới hàng trăm triệu USD.
Theo tính toán, các hệ số cơ bản đánh giá hiệu quả đầu tư dự án, phân tích bờ kè chắn sóng… đều khẳng định tính khả thi và ổn định, hiệu quả của dự án. Đồng thời, việc không phải tiếp chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực qua các cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định, phát triển kinh tế chung của khu vực, thúc đẩy sự đầu tư vào các khu công nghiệp của vùng, giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa khu vực…
Với vai trò là đơn vị được giao chủ trì dự án, thay mặt Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng hi vọng Quốc hội tiếp tục bố trí vốn ngay cho dự án. Bộ trưởng khẳng định, luồng sông Hậu khi đi vào khai thác sẽ phát huy hiệu quả của các cảng hiện có của khu vực, đóng vai trò là lối ra-vào rất mạnh, ổn định, lâu dài trong phát triển kinh tế, xã hội của khu vực, đáp ứng được yêu cầu bức thiết của vùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.