(HNMO) - Sáng 15-8, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải đáp nhiều vấn đề được cử tri quan tâm như người lao động bỏ trốn tại nước ngoài, tiến độ sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công.
Doanh nghiệp nước ngoài đào hầm cho người lao động bỏ trốn
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) đề cập tới thực trạng, nhiều người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài đang phải trả chi phí cao hơn so với mức trung bình của các nước ASEAN. Bên cạnh đó, tình trạng người lao động bỏ trốn vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ trách nhiệm của Bộ và các giải pháp để khắc phục tình trạng này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, về cơ bản, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan đã thực hiện nghiêm túc các quy định trong việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Trong những năm trở lại đây, số lượng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động đã tăng nhanh. Năm 2007 có khoảng 100.000 người đi xuất khẩu lao động, năm 2017 con số này là 127.000 người và đến năm 2018 đã tăng lên mức 143.000 người. Địa bàn xuất khẩu lao động được mở rộng thêm nhiều nước như Australia, Rumania, Séc... Các lĩnh vực xuất khẩu lao động cũng thuận lợi hơn, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của người Việt Nam. Việc đưa người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài từ thụ động đã trở nên chủ động hơn.
Về vấn đề môi giới xuất khẩu lao động, Bộ trưởng khẳng định, Bộ đã siết chặt các quy định về môi giới và cơ bản, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đều thực hiện đúng. Chi phí đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đang cao hơn một số nước là đúng, vì tại nhiều nước, doanh nghiệp chỉ thực hiện xong việc môi giới là xong, còn đối với doanh nghiệp Việt Nam, ngoài việc môi giới vẫn có trách nhiệm quản lý và tham gia xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình người lao động ở nước ngoài.
Về tình trạng lao động bỏ trốn, ở lại làm việc bất hợp pháp tại nước sở tại, Bộ trưởng cho biết, thực trạng này chủ yếu xảy ra ở Hàn Quốc. Thời điểm cao nhất là vào năm 2016, với tỷ lệ khoảng 55% lao động ở lại. Phía Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp như yêu cầu đóng quỹ ở Việt Nam và phối hợp với phía Hàn Quốc siết chặt quản lý lao động.
“Đây là lỗi của cả hai bên. Lỗi về phía chúng ta cũng có, nhưng lỗi từ phía doanh nghiệp nước bạn cũng có. Thậm chí, có doanh nghiệp nước bạn còn đào hầm cho người lao động bỏ trốn và ở lại. Tuy nhiên, qua 3 năm quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, tỷ lệ này đã giảm mạnh từ 55% xuống còn 33%”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bảo đảm tiến độ sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau) cho rằng, vẫn xảy ra tình trạng chậm sửa đổi nhiều thủ tục, chính sách trong Pháp lệnh ưu đãi người có công. Đại biểu nêu thực trạng là nhiều hồ sơ, thủ tục người dân đã gửi tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về giấy báo tử nhưng vẫn chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công. Về việc truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, có trường hợp có hai con nuôi là liệt sĩ thì được truy tặng, nhưng nếu nuôi một người con và một người cháu thì lại không được truy tặng. Đại biểu đặt câu hỏi, liệu Bộ có nên sửa quy định này?
Về vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo kế hoạch, Bộ sẽ trình ý kiến sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công vào tháng 10 tới và trong tháng 12 sẽ chính thức trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến thời điểm này, việc sửa đổi Pháp lệnh cơ bản bảo đảm tiến độ. Bộ đã hoàn thành việc lấy ý kiến các cấp, ngành, địa phương và sẽ gửi trực tiếp dự thảo Pháp lệnh sửa đổi đến các đoàn đại biểu để xin ý kiến.
Về chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng như đại biểu nêu, việc sửa đổi các nội dung liên quan trong Pháp lệnh ưu đãi người có công không thuộc thẩm quyền Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mà thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ. Trong quá trình thực hiện, Bộ nhận thấy một số vướng mắc chưa quy định trường hợp này nên Bộ đã kiến nghị và thống nhất với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ trình Chính phủ xin ý kiến. Nếu người cháu nuôi được pháp luật thừa nhận như con thì mới được công nhận là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tranh luận lại, đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng, trong trường hợp bà mẹ nuôi hai người, dù là con hay là cháu, sau này trở thành liệt sĩ, thì cũng nên được công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.