(HNMO) - Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hệ thống pháp luật dẫu còn vấn đề này hay vấn đề khác nhưng có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chiều 30-10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Hệ thống pháp luật cơ bản hoàn thiện ở hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội
Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, hệ thống pháp luật cơ bản hoàn thiện ở hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội.
Điều đó được thể hiện qua số liệu thống kê, từ ngày 1-1-2016 đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 44 dự án luật, 11 nghị quyết, 1 pháp lệnh; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 576.144 quyết định; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành khoảng 2.400 thông tư và thông tư liên tịch; các địa phương ban hành gần 65.000 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét thông qua 12 luật, 4 nghị quyết, cho ý kiến 9 dự án luật.
Trong số văn bản ban hành, điểm sáng là có văn bản được ban hành kịp thời như, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, góp phần xử lý nợ xấu; Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)...
Năm 2019, bức tranh kinh tế chủ yếu là màu sáng, 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội ước đạt và vượt kế hoạch. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới và Ngân hàng Thế giới, chỉ số về chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam tăng 17 bậc so với năm 2018.
Người đứng đầu ngành Tư pháp cho rằng, hệ thống pháp luật đóng góp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thầm lặng, khó lượng hóa, khi có được kết quả dễ bị lẫn trong lĩnh vực khác, nhưng khi có vấn đề xảy ra lại trở thành tâm điểm.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận những hạn chế trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thời gian qua, một số văn bản pháp luật bị vướng như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường có quy định chưa thống nhất trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường; xử lý chậm Luật Quy hoạch; chậm ban hành văn bản có hướng dẫn chi tiết.
“Theo tôi, việc chậm ở đây có liên quan đến quy trình, phải lập đề nghị, xem xét, trình các cơ quan có thẩm quyền và cũng có phần e dè của các cơ quan”, Bộ trưởng lý giải.
Về nguyên nhân, có cả chủ quan và khách quan như: Chưa có sự chủ động của cơ quan trình; năng lực làm luật có phần còn hạn chế, trong đó có vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp…
Thời gian tới, Chính phủ cố gắng sẽ có hệ thống văn bản pháp luật có chất lượng hơn, dễ tiếp thu, tiếp cận hơn.
Trước đó, một số đại biểu cho rằng, hạn chế, tồn tại trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đưa pháp luật vào cuộc sống cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sự chỉ đạo, điều hành đến phát triển kinh tế, quản lý xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Vì vậy, trong định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2020, Quốc hội, Chính phủ tập trung đầu tư hơn cả về nhân lực và vật lực để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng làm luật, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành...
Xử lý nghiêm người đứng đầu để giải ngân đầu tư công chậm
Vấn đề chậm giải ngân đầu tư công cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Trong đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, vấn đề này đã tồn tại nhiều năm mà chưa được khắc phục, thậm chí càng nghiêm trọng hơn. Giải ngân đầu tư công chậm không chỉ làm giảm hiệu quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà còn kìm hãm sự phát triển đất nước, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước, dự án đội vốn, giảm uy tín với nhà tài trợ quốc tế.
Năm 2019 là năm cuối chu kỳ đầu tư công trung hạn 2016-2020, năm bản lề hoàn thành kế hoạch 5 năm đầu tư công nhưng 9 tháng năm nay giải ngân đầu tư công còn chậm.
Theo đại biểu này, nguyên nhân không phải do hệ thống pháp luật mà do khâu tổ chức thực hiện, bởi một dự án có nhiều luật điều chỉnh cho thấy hệ thống pháp luật khá đầy đủ, tạo cơ sở dễ vận dụng khi thực hiện. Riêng với Luật Đầu tư công, quy trình thủ tục đầu tư cơ bản không khác so với trước khi có luật này, chỉ khác là xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. “Có lẽ những tiến bộ này của luật là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ đầu tư công”, đại biểu trên nhận định.
Chỉ ra rõ hơn nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công chậm, đại biểu Đoàn Bạc Liêu cho biết, một số nghị định, thông tư hướng dẫn luật chưa cụ thể, có thông tư hướng dẫn mà địa phương đọc không hiểu; công tác lập quy hoạch dự án thiếu chủ động, không sát yêu cầu thực tế, chủ trương, có nơi chỉ khảo sát qua loa đưa vào danh mục đầu tư cho kịp quy định; cơ quan thẩm tra thiếu kinh nghiệm khiến dự án đội vốn, phải điều chỉnh vốn.
Cùng với đó, việc quản lý, quản trị yếu kém, cán bộ tham mưu thiếu chuyên môn, nghiệp vụ, người đứng đầu đôi khi thận trọng, không dám quyết.
Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương sớm có giải pháp căn cơ nhằm khắc phục tình trạng trên; đồng thời xử lý nghiêm, công khai người đứng đầu để giải ngân chậm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.