Lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có cuộc gặp gỡ (trực tiếp kết hợp trực tuyến) với giáo viên các cấp học. Những trao đổi, chia sẻ tại cuộc gặp gỡ giúp Bộ trưởng thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và có những điều chỉnh về chính sách.
Ngày 15-8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và đại diện các vụ, cục thuộc Bộ đã gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, giáo viên cả nước. Đã có khoảng 6.500 ý kiến được gửi về sự kiện. Buổi sáng Bộ trưởng gặp gỡ giáo viên mầm non, phổ thông; buổi chiều gặp gỡ cán bộ, giảng viên đại học.
Cuộc gặp được tổ chức theo hình thức trực tiếp từ điểm cầu của Bộ tới các điểm cầu các sở giáo dục và đào tạo và nhiều đơn vị, trường học
Sự kiện là dịp để nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác, cũng là dịp để Bộ trưởng lắng nghe ý kiến phục vụ công tác quản lý, điều hành, hoàn thiện chính sách; động viên, chia sẻ với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên.
Các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề lớn như: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).
Nâng mức phụ cấp cho giáo viên mầm non
Lắng nghe chia sẻ của giáo viên, nhất là ở cấp mầm non và tiểu học về sự vất vả, áp lực công việc hiện nay và những đề xuất, kiến nghị liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng chung và so với công sức bỏ ra, đặc biệt là ở vùng khó khăn. Tại nhiều diễn đàn, lãnh đạo Bộ đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với bộ, ngành, cân nhắc khả năng nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học. Bước đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã thống nhất dự kiến tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10% và giáo viên tiểu học lên 5%.
Đồng tình với ý kiến cho rằng giờ làm việc giáo viên mầm non nhiều, ít có thời gian phát triển chuyên môn, chăm sóc gia đình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, nhiều địa phương đã huy động nguồn lực để hỗ trợ, nhưng hành lang pháp lý cho nội dung này còn thiếu, Bộ sẽ tiếp tục lưu ý.
Liên quan đến vấn đề độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến góp ý và kiên trì quan điểm giáo viên mầm non cần có chế độ nghỉ hưu thuộc đối tượng lao động nặng nhọc (55 tuổi đối với nữ).
Điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT "không gây sốc"
Với đề nghị tăng định mức giáo viên/lớp với cấp tiểu học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các lớp chuyển từ học 1 buổi/ngày sang học 2 buổi/ngày, số môn học và hoạt động của nhà giáo có nhiều điều chỉnh thì việc điều chỉnh định mức giáo viên/lớp là cần thiết. Bộ đang chủ trì sửa đổi Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT “hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập” và sẽ đăng tải công khai, để các nhà giáo tham gia góp ý từng nội dung.
Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc dạy học các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở (môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cân nhắc phương án điều chỉnh dạy học môn học này để tạo thuận lợi hơn cho việc triển khai, không ảnh hưởng đến mục đích, đầu ra của chương trình mới.
Trước những băn khoăn của nhiều giáo viên về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, “sản phẩm đầu ra” là học sinh học chương trình mới nhưng vẫn là lứa học sinh chưa có đầy đủ trải nghiệm của toàn bộ chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, Bộ chủ trương điều chỉnh phương án thi để không gây ra bất ngờ, không gây sốc đối với thí sinh. Dự kiến, phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 sẽ được công bố vào quý IV năm 2023.
Với một số đề nghị về tăng cường các điều kiện bảo đảm để tổ chức dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả hơn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những trường học ở địa bàn còn khó khăn và cho biết, Bộ sẽ làm việc với các bộ, ngành để khai thác từ các chương trình mục tiêu quốc gia để bổ sung trang thiết bị cho các nhà trường. Tuy nhiên, việc bảo đảm cơ sở vật chất là trách nhiệm rất lớn của các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong các địa phương tiếp tục quan tâm để cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên. Với giáo viên, Bộ trưởng cũng lưu ý cần tích cực khai thác, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học sẵn có.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ, các cục, vụ với toàn thể nhà giáo để gần nhau hơn, để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung. Với hơn 6.500 câu hỏi được gửi tới sự kiện, không thể trả lời hết trong một buổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các cục, vụ trả lời theo từng chủ đề và quan trọng hơn, là sẽ có những điều chỉnh về mặt chính sách để phát triển đội ngũ nhà giáo về số lượng và chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.