Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn tại phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Hiền Thu| 13/08/2018 20:04

(HNMO) - Chiều 13-8, trong phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: vov.vn


Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng xâm hại trẻ em. Đại biểu Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Đánh giá của Bộ về mức độ nghiêm trọng của tình trạng xâm hại, nhất là xâm hại tình dục đối với trẻ em hiện nay? Tại sao đối với các vụ án xâm hại, khi có ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoặc sự vào cuộc của các cơ quan báo chí thì việc giải quyết mới rốt ráo và thực sự có hiệu quả?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đồng tình cho rằng, xâm hại trẻ em là vấn đề phức tạp, thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo Bộ trưởng, năm 2017, phát hiện 1.592 vụ xâm hại. 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện hơn 721 vụ xâm hại trẻ em, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xâm hại tình dục chiếm 84% số vụ việc. Nạn nhân chủ yếu là cháu gái, chiếm khoảng 80% đối tượng bị xâm hại... Theo Bộ trưởng Tô Lâm, ngày 6-8-2018, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó đặt ra nhiều nhiệm vụ cụ thể. Bộ Công an cũng đang đẩy mạnh chuyên đề phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác xử lý tin tố giác tội phạm. “Không phải khi có lãnh đạo ý kiến mới được xử lý, mà tất cả các vụ đều được xem xét xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý có những khó khăn cả về khách quan và chủ quan, thậm chí là có vụ việc có tình tiết chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan thực thi pháp luật nên có sự kéo dài một số vụ án” - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Chưa hài lòng về phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) nêu câu hỏi: Nguyên nhân nào dẫn đến gia tăng đột biến về xâm hại trẻ em trong 6 tháng đầu năm 2018? Đến lúc nào chúng ta có đủ cơ cấu tổ chức cơ quan điều tra chuyên trách và trình tự tố tụng điều tra tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em?

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời, số vụ tăng lên một phần do tập trung chỉ đạo quyết liệt, khám phá, điều tra ngăn chặn, và sự hợp tác của quần chúng nhân dân. Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết đã nhiều lần đề nghị nên có trình tự, thủ tục đặc biệt để điều tra về xâm hại tình dục trẻ em để tháo gỡ được khó khăn trong quá trình điều tra.

Chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm, đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) cho rằng: Tội phạm sử dụng công nghệ cao được phát hiện ngày càng nhiều. Một số vụ việc lợi dụng chức vụ quyền hạn của cán bộ cấp cao ngành công an gây bất bình trong nhân dân, cụ thể là đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng vừa qua, đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng này?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: “Đây là bài học xương máu. Nguyên nhân là do cán bộ không chịu rèn luyện thường xuyên, bị đồng tiền cám dỗ. Mặt khác, mảng công nghệ cao không phải lực lượng nào cũng nắm rõ nên có sự lợi dụng để bảo kê. Vụ việc được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Chúng tôi cũng đã có biện pháp chấn chỉnh...”.

Quan tâm đến vấn đề xử lý gian lận trong thi cử, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra gian lận nghiêm trọng. Theo Bộ trưởng, đây là loại tội phạm gì, có mới không, năm trước có không? Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời: Đối tượng là người tham gia chấm thi, quản lý bài thi và có vi phạm nên đây là hoạt động lợi dụng chức vụ quyền hạn. Loại tội phạm này không mới nhưng gian lận thì nhiều thủ đoạn. Có thể năm trước đã có tình trạng gian lận trong thi cử.

Chung sự quan tâm trên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) chất vấn: Việc xảy ở địa phương cho thấy công an không giúp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, vậy đâu là trách nhiệm của công an địa phương? Bộ sẽ xử lý lực lượng công an tham gia quy trình này thế nào? Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: Đã có những dấu hiệu cho thấy vi phạm của cơ quan công an, cá nhân tham gia trong việc can thiệp này. Bộ đang tiếp tục điều tra. Quan điểm chung của Bộ Công an là đối với những vi phạm, kể cả trong nội bộ đều phải được xử lý thích đáng.

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, cử tri rất quân tâm đến kết luận điều tra và thời gian điều tra vụ việc. Ngoài các tỉnh đã phát hiện vi phạm, Bộ Công an có mở rộng phạm vi điều tra ra các địa phương khác hay không? Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, lực lượng điều tra rất muốn tập trung kết thúc nhanh nhưng phải bảo đảm vạch trần được tội phạm, nêu được hành vi vi phạm và chỉ ra đối tượng vi phạm. “Nếu có dấu hiệu vi phạm ở những địa phương khác thì chúng tôi vẫn tiếp tục xử lý, chứ không có giới hạn” - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu quan tâm đến các vấn đề tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, tội phạm ma túy, tội phạm cướp giật... Tham gia trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, phòng chống tội phạm là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, lực lượng công an là nòng cốt. Bên cạnh kết quả đạt được thì công tác phòng chống tội phạm còn tồn tại, như tham mưu nắm tình hình một số trường hợp còn lúng túng, bị động. Tội phạm có tổ chức, giết người, cướp của, ma tuý, xâm hại trẻ em... còn diễn ra phức tạp, gây bức xúc dư luận, nhất là tội phạm tín dụng đen, cần cương quyết đấu tranh xử lý triệt để.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết tâm xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh, mọi người dân được sống thực sự yên bình. Do vậy, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm là rất nặng nề...

Phát biểu kết thúc phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau một ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, phiên chất vấn đối với hai bộ trưởng đã hoàn thành theo đúng chương trình đề ra. Đây là phiên chất vấn thứ hai tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đổi mới theo hình thức “hỏi nhanh, đáp gọn”, và phần trả lời chất vấn cho thấy các bộ trưởng nắm chắc tình hình, giải đáp đầy đủ các câu chất vấn.

Khẳng định phiên họp 26 đã hoàn thành chương trình đề ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục hoàn chỉnh dự án luật và báo cáo giám sát theo kết luận, hoàn thành nghị quyết được thông qua để ký ban hành. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn tại phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.