(HNMO) - Ngày 21-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Minh Quang đã đồng chủ trì buổi làm việc về tình hình triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; công tác quản lý TN&MT trên địa bàn TP.
Cùng dự buổi làm việc còn có Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc SHNN, năm 2013, TP đã hoàn thành cơ bản việc kiểm tra, rà soát và xử lý các phương án sắp xếp, xử lý nhà đất công của 85 cơ quan, đơn vị, cơ quan nhà nước thuộc TP với tổng số 8.847 cơ sở nhà, đất với diện tích khoảng 21,8 triệu m2 đất và trên 6,5 triệu m2 nhà. Qua đó đã thực hiện sắp xếp, xử lý bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 4 cơ quan, đơn vị và 9 doanh nghiệp với số tiền thu được là 3.804 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở mới cũng như thu nộp ngân sách để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội.
Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc khối Trung ương, cũng trong năm 2013, TP đã xem xét, thông qua phương án tổng thể của 22 cơ quan, đơn vị với 137 cơ sở nhà, đất (diện tích đất là trên 1,96 triệu m2, diện tích nhà là gần 535 ngàn m2) để sắp xếp, xử lý nhằm tăng hiệu quả sử dụng nhà, đất là tài sản công giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng…
Liên quan đến công tác quản lý TN&MT trên địa bàn TP, ông Nguyễn Trọng Đông-Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết: Sở đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải, xử lý nước thải, góp phần cải thiện môi trường. Trong đó đáng chú ý là các dự án Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng và xã Vân Canh (huyện Hoài Đức); dự án xây dựng ô chôn lấp rác thải theo công nghệ Nhật Bản tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây); dự án Nhà máy xử lý nước thải tại xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức); quy hoạch xây dựng khu xử lý rác thải tập trung tại thôn Đồng Ké (xã Trần Phú-huyện Chương Mỹ). Cùng với đó là các dự án xử lý rác thải tại chỗ trên địa bàn các huyện ngoại thành…
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND TP Hà Nội đối với công tác quản lý nhà nước ngành TN&MT. Hàng loạt vấn đề hóc búa trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý quy hoạch, cấp sổ đỏ, bảo vệ môi trường đã được TP tháo gỡ và xử lý hiệu quả. Những khó khăn còn lại, Bộ sẽ cùng TP phối hợp tháo gỡ. Tuy nhiên, Bộ TN&MT cũng đề nghị Hà Nội quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường lưu vực song Nhuệ-sông Đáy và đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý nước thải, rác thải. Bên cạnh đó tăng cường quản lý tài nguyên nước, hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm để tránh sụt lún đất…
Cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp của lãnh đạo Bộ TN&MT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, trong thời gian tới, TP sẽ tập trung tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN&MT, đặc biệt là vấn đề quản lý, sử dụng đất đai để đất đai thực sự trở thành nguồn lực cho đầu tư phát triển; khắc phục và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường… Với các dự án xử lý nước thải, rác thải, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách sẽ không đủ nên tới đây, TP sẽ tiếp tục thực hiện xã hội hóa để huy động các nguồn lực ngoài xã hội. Có hai vấn đề đặc thù với Hà Nội cũng được Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ TN&MT và các bộ ngành liên quan giúp đỡ để tháo gỡ dứt điểm. Thứ nhất là sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân. Đến nay Hà Nội đã cấp được 99% lượng hồ sơ cần cấp, chỉ còn 1% tồn đọng vì không đủ điều kiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu không có giải pháp xử lý dứt điểm sẽ phát sinh nhiều vấn đề xã hội. Thứ hai là khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Hà Nội đã và đang tồn tại những con đường bị gọi là “đắt nhất hành tinh” mà nguyên nhân là do chi phí giải phóng mặt bằng đắt gấp 10 lần so với chi phí làm đường. Để khắc phục vấn đề này, TP đang nghiên cứu bố trí tái định cư bằng tiền hoặc bằng quỹ đất đã có quy hoạch ở khu vực ngoại thành và đề nghị Trung ương cho phép được thí điểm thực hiện…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.