(HNMO) - Ngày 18/7, một tờ báo có bài viết về việc Bộ Tài chính đã “cắt xén” ưu đãi của doanh nghiệp, chiều 19/7, Bộ Tài chính đã bác bỏ thông tin trên.
Bài báo nêu Luật đầu tư năm 2014 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/12/2015 đã hoàn thiện và phân chia rất rõ đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền được hưởng ưu đãi đầu tư. Trong đó quy định 2 điểm đáng chú ý về ưu đãi đầu tư: Thứ nhất, những trường hợp dự án đầu tư mới đồng thời đáp ứng nhiều điều kiện ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thì được chọn hưởng mức ưu đãi thuế TNDN có lợi nhất.
Thứ hai, các dự án đầu tư được cấp phép trước ngày 1/7/2015 vẫn được hưởng ưu đãi theo quy định mới cho thời gian còn lại. Việc Thông tư 83 hướng dẫn đối với các dự án đầu tư mới chỉ được hưởng ưu đãi thuế TNDN khi đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN theo quy định của luật thuế TNDN nhưng không được hưởng ưu đãi nếu đáp ứng các điều kiện về ngành nghề ưu đãi đầu tư được quy đinh tại Luật đầu tư như nêu tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 83 là không phù hợp với quy định của Luật đầu tư, cắt xén ưu đãi của doanh nghiệp.
Trước thông tin trên, chiều 19/7, Bộ Tài chính chính thức lên tiếng.
Dự án đáp ứng nhiều điều kiện được chọn hưởng mức ưu đãi thuế TNDN có lợi nhất
Theo cơ quan quản lý này, về nội dung những trường hợp dự án đầu tư mới đồng thời đáp ứng nhiều điều kiện ưu đãi về thuế TNDN thì được chọn hưởng mức ưu đãi thuế TNDN có lợi nhất, Luật đầu tư số 67/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Đầu tư. Luật đầu tư số 67/2014/QH13 đã dành 1 chương quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong đó nội dung quy định về ưu đãi đầu tư được quy định tại các Điều 15, 16, 17, 18 và nội dung quy định về hỗ trợ đầu tư được quy định tại các Điều 19, 20, 21 của Luật Đầu tư. Ưu đãi thuế TNDN chỉ là một trong các hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư được quy định tại Điều 15 Luật đầu tư.
Trụ sở Bộ Tài chính (nguồn: Internet) |
Tại khoản 3 Điều 15 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 quy định về hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư như sau: “3.Ưu đãi đầu tư được áp dụng đối với dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng. Mức ưu đãi cụ thể đối với từng loại ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai”.
Tại khoản 4 Điều 18 Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 quy định “Trong cùng một thời gian, nếu doanh nghiệp được hưởng nhiều mức ưu đãi thuế khác nhau đối với cùng một khoản thu nhập thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi thuế có lợi nhất”; tại khoản 5 Điều 4 Thông tư số 83/2016/TT-BTC quy định về ưu đãi thuế TNDN như sau “5.Trường hợp dự án đầu tư đồng thời đáp ứng nhiều điều kiện ưu đãi về thuế TNDN thì được chọn hưởng mức ưu đãi thuế TNDN có lợi nhất".
“Như vậy, Thông tư 83 đã hướng dẫn đúng quy định của Luật đầu tư và luật thuế TNDN”, Bộ Tài chính khẳng định.
Bảo đảm ưu đãi đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật
Về nội dung các dự án đầu tư được cấp phép trước ngày 1/7/2015 vẫn được hưởng ưu đãi theo quy định mới cho thời gian còn lại, theo cơ quan quản lý này, đây chính là nội dung về việc bảo đảm ưu đãi đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật.
Điều 13 Luật đầu tư số 67/2014/QH13 quy định về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật trong đó, khoản 1,2,3 quy định về bảo đảm đầu tư kinh doanh như sau:
“1. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.
Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.
Quy định tại khoản 2 Điều này không áp dụng trong trường hợp thay đổi quy định của văn bản pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường”.
Tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Đầu tư đã hướng dẫn về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật như sau:
“1. Trong trường hợp văn bản pháp luật mới do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành có quy định làm thay đổi ưu đãi đầu tư đang áp dụng đối với nhà đầu tư trước thời điểm văn bản đó có hiệu lực, nhà đầu tư được bảo đảm thực hiện ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 13 Luật Đầu tư. 2. Ưu đãi đầu tư được bảo đảm theo quy định tại Khoản 1 Điều này là ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng theo quy định tại văn bản pháp luật có hiệu lực trước thời điểm văn bản pháp luật mới có hiệu lực”.
“Như vậy, Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định ưu đãi đầu tư được bảo đảm theo quy định của Điều 13 Luật đầu tư là ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng theo quy định của văn bản pháp luật có hiệu lực trước thời điểm văn bản pháp luật mới có hiệu lực”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Tại khoản 4 Điều 7 Thông tư số 83/2016/TT-BTC hướng dẫn: “4. Việc điều chỉnh ưu đãi đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP và việc bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP”.
Thông tư số 83/2016 TT-BTC đã hướng dẫn đúng theo quy định về bảo đảm ưu đãi đầu tư của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Ý kiến nêu tại tờ báo trên cho rằng Bộ Tài chính hướng dẫn trái luật “khá nghiêm trọng”, cắt xén ưu đãi của doanh nghiệp về bảo đảm ưu đãi đầu tư là không đúng với nội dung quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, chưa nghiên cứu đầy đủ các nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 83/2016/TT-BTC.
Tuy nhiên, triển khai Luật doanh nghiệp và luật đầu tư đã xuất hiện một số vướng mắc. Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 66/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về tình hình triển khai thi hành Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, VPCP, các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá đầy đủ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trong đó có những vướng mắc có liên quan đến quy định của pháp luật về đầu tư và thuế tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
Không "cắt xén" ưu đãi của doanh nghiệp
Về việc hướng dẫn “đối với các dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế TNDN khi đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN theo quy định của luật thuế TNDN”, Bộ Tài chính cho biết, Luật đầu tư số 67/2014/QH13 dành 1 chương quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Tại khoản 3 Điều 15 của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 quy định về hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư như sau: “3.Ưu đãi đầu tư được áp dụng đối với dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng. Mức ưu đãi cụ thể đối với từng loại ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai”.
Theo quy định của pháp luật về thuế TNDN thì mức ưu đãi thuế TNDN được áp dụng cho lĩnh vực ngành nghề ưu đãi thuế quy định cụ thể tại Luật thuế TNDN và địa bàn ưu đãi thuế quy định tại Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN.
Tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 83/2016/TT-BTC: “1. Dự án đầu tư đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN theo quy định của Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 (sau đây gọi là Luật thuế TNDN) hoặc tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP (trừ địa bàn nêu tại khoản 55 phụ lục II được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này) thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo mức tương ứng áp dụng đối với lĩnh vực hoặc địa bàn quy định của Luật thuế TNDN”.
Bộ Tài chính cho rằng, nội dung hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 bảo đảm đúng với quy định của Luật đầu tư, pháp luật thuế TNDN hiện hành, không cắt xén ưu đãi của doanh nghiệp như ý kiến trên báo đã nêu.
Cơ quan quản lý này khẳng định, việc xây dựng và ban hành Thông tư số 83 đã được Bộ Tài chính thực hiện theo đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đã tổng hợp ý kiến tham gia của 16 Bộ, 15 UBND các tỉnh, thành phố, 18 Sở Tài chính và Sở Kế hoạch đầu tư; 11 Cục Hải quan và 56 Cục Thuế, đã tổ chức họp trao đổi với các bộ, ngành, cơ quan hải quan, thuế địa phương và đã tổng hợp vướng mắc để báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Nội dung Thông tư 83 đã rà soát kỹ bảo đảm phù hợp với quy định của Luật đầu tư và pháp luật thuế hiện hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.